Thương vụ này, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) có vai trò là tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện người sở hữu trái phiếu. Ngân hàng Techcombank là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo và quản lý tài khoản. Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC – chi nhánh TP. HCM là tổ chức kiểm toán.
Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư Saigon Glory liên tục lên tiếng kêu cứu vì dù đã đến hạn trả gốc nhưng trái chủ lô trái phiếu hàng ngàn tỷ của Saigon Glory vẫn chưa được thanh toán như thỏa thuận.
Saigon Glory phát hành trái phiếu để đầu tư vào khu tứ giác Bến Thành
Giai đoạn từ tháng 6/2020-8/2020, Saigon Glory đã phát hành 10 lô trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, kỳ hạn dao động từ 3 đến 5 năm với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án.
Saigon Glory phát hành lô trái phiếu này là nhằm thực hiện Dự án The Spirit of Saigon (One Central HCM) - dự án Khu văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, khách sạn ở ngay trung tâm quận 1, TP HCM.
Như vậy, theo tính toán ban đầu và giới thiệu của Saigon Glory đến nhà đầu tư, tiền huy động được từ trái phiếu sẽ dùng để đổ vào siêu dự án khu tứ giác Bến Thành One Central HCM - công trình có vị trí vô cùng đắc địa với mặt tiền 4 đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, ngay giữa “trung tâm của trung tâm” quận 1 và gần những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn như Chợ Bến Thành, ga Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật, Công viên 23/9…
Theo công bố của HNX, tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này của Saigon Glory bao gồm toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án thành phần The Spirit of Saigon bao gồm các tài sản thuộc Tháp A, với tổng giá trị là hơn 18.550 tỷ đồng.
Công ty Saigon Glory cam kết lãi trái phiếu trả 3 tháng một lần, nợ gốc có thể được mua lại trước hạn hoặc thanh toán vào ngày đáo hạn của trái phiếu.
Liên tục khất nợ
Đáng nói, Saigon Glory đang nợ tiền gốc trái phiếu. Thậm chí, Hội nghị trái chủ của Saigon Glory được tổ chức hồi tháng 6/2023 nhưng đa phần các lô không đủ người để biểu quyết nên đã thất bại.
Saigon Glory cũng đã vỡ cam kết thanh toán lượng trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi bán niên 2023 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) của Saigon Glory, tính đến ngày 30/6/2023, doanh nghiệp này đã thanh toán tiền lãi của các lô trái phiếu và tiếp tục xin khất nợ 3.000 tỷ đồng tiền gốc của 3 lô trái phiếu SGL-2020.01; SGL-2020.02; SGL-2020.03.
Đây là 3 lô đến hạn các ngày 12, 19, 22/6/2023 vừa qua. Tiếp đó, Saigon Glory tiếp tục có công văn gửi HNX về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu SGL-2020.04 có giá trị 1.000 tỷ đồng và tiền gốc lô trái phiếu SGL-2020.05 trị giá 1.000 tỷ đồng.
Lý do được tổ chức phát hành đưa ra cho việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu là vì thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến tổ chức phát hành chưa thu xếp kịp nguồn tiền.
Ngày 29/8, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã ra thông báo số 1600/2023/TB-TVSI, cho biết công ty: "Không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Tổ chức phát hành Công ty Saigon Glory để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ". Do vậy, nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ không thể thực hiện được đúng hạn và tài sản đảm bảo trái phiếu sẽ được xử lý.
Thông báo cụ thể của TVSI nêu rõ, số lô trái phiếu bị chậm thanh toán lãi đợt này gồm 5 lô, có mã số là: SGL-2020.06, SGL-2020.07, SGL-2020.08, SGL-2020.09 và SGL-2020.10.
Trong đó, 3 lô SGL-2020.06, SGL-2020.07 và SGL-2020.08 có giá trị 3.000 tỷ đồng, phát hành ngày 26/8/2020, đến hạn thanh toán lãi ngày 26/8/2023. 2 lô còn lại mã SGL-2020.09 và SGL-2020.10 có giá trị 2.000 tỷ đồng, phát hành ngày 28/8/2020, đến hạn thanh toán lãi ngày 28/8/2023.
Chứng khoán Tân Việt cũng cho hay, đối với 5 lô trái phiếu trước đó, gồm: SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04, SGL-2020.05, tổ chức phát hành là Công ty TNHH Saigon Glory cũng đã không thể thanh toán gốc khi đến kỳ đáo hạn, vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư.
Vì vậy, theo quy định, 5 lô trái phiếu lần này sẽ bị tuyên đến hạn và Saigon Glory phải mua lại bắt buộc trong vòng 10 ngày làm việc.
Tổ chức quản lý tài sản đảm bảo là ngân hàng Techcombank đang tích cực thực hiện xử lý tài sản đảm bảo và chỉ định công ty định giá tài sản.
Về phần mình, phía Ngân hàng Techcombank là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo đã có văn bản yêu cầu Công ty Saigon Glory bàn giao hồ sơ chi tiết các tài liệu, văn bản để phục vụ việc xử lý tài sản bảo đảm vào ngày 20/9/2023.
Nhà đầu tư Saigon Glory kêu cứu
Như đã biết, việc phát hành trái phiếu thông qua Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Do đó, khi Công ty Saigon Glory chậm thanh toán, liên tiếp các trái chủ của Công ty TNHH Saigon Glory tìm đến trụ sở Công ty Chứng khoán Tân Việt (ở Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) để yêu cầu giải quyết quyền lợi nhưng chưa có kết quả.
Theo chia sẻ của một nhà đầu tư T.N.M.L. với báo Người lao động cho biết năm 2022, L. đã mua 50.000 trái phiếu trị giá 5 tỷ đồng, kỳ hạn khác nhau nhưng đến nay mới được trả lãi 2 lần, khoảng 200 triệu đồng.
Hiện đã qua thời gian đáo hạn nhưng lô trái phiếu của bà không được thanh toán thêm lãi chứ chứ đừng nói gì đến khoản tiền gốc mua trái phiếu.
“Ngày nào tôi cũng đi làm qua Dự án The Spirit of Saigon nhưng suốt từ lúc dịch COVID-19 tới giờ, 2 tháp cẩu vẫn đứng yên. Cổng dự án đóng kín, không có công nhân làm việc hoặc ra vào”, - nhà đầu tư này chia sẻ.
Trong khi đó, theo Bản công bố thông tin và các điều kiện điều khoản của trái phiếu thì công ty phát hành trái phiếu để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon. Tuy nhiên, hiện dự án đang dừng thi công, trái chủ không rõ rốt cuộc công ty Saigon Glory sử dụng tiền huy động trái phiếu cho mục đích gì.
Tương tự trường hợp bà L., nhiều nhà đầu tư khác cho rằng do tin tưởng đơn vị phát hành cũng như Chứng khoán Tân Việt nên đã tham gia đầu tư nhưng cuối cùng lại bị “vỡ mộng".
Hiện nay họ muốn công ty trả gốc lãi theo đúng cam kết hoặc nhà đầu tư sẽ yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm.
Một trái chủ tên Đặng Thị Q. (Hoàng Mai, Hà Nội), đã mua 4.000 trái phiếu lô SGL-2020.01 chia sẻ trên báo Đại Đoàn Kết rằng, từ thời điểm lô trái phiếu này đáo hạn đến nay, bà cùng nhiều trái chủ khác đã nhiều lần đề nghị nhưng cả tổ chức phát hành và công ty mẹ là Bitexco đều có thái độ không hợp tác, không thiện chí trong việc trả nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Nhà đầu tư cho biết, phía tổ chức phát hành không có một động thái tích cực hay cam kết rõ ràng nào về việc sẽ trả nợ đúng hạn cho trái chủ, khiến không ít trái chủ lo lắng về số vốn đã đầu tư vào trái phiếu của Saigon Glory.
Đối với các lô trái phiếu này, phía Saigon Glory có văn bản khẳng định sẽ phối hợp cung cấp và bàn giao theo đúng quy định tại hợp đồng bảo đảm và điều kiện phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng danh mục hồ sơ, tài liệu của tài sản bảo đảm cơ bản đã bàn giao cho ngân hàng tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp nên giờ "chỉ bàn giao bổ sung hồ sơ dự án".
The Spirit of Saigon là dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hồ sơ kỹ thuật xây dựng rất nhiều và được lưu trữ ở nhiều đơn vị khác nhau. Do vậy, theo lãnh đạo Saigon Glory, doanh nghiệp cần thời gian thu thập, sắp xếp, thống kê đầy đủ theo yêu cầu của đơn vị quản lý tài sản bảo đảm.
Ai đứng sau Saigon Glory?
Công ty TNHH Saigon Glory được thành lập vào tháng 7/2018, Saigon Glory do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco Group) nắm 100% vốn. Vai trò của Saigon Glory là quản lý và phát triển các dự án của Bitexco.
Quy mô vốn điều lệ ban đầu của Saigon Glory là 7.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản.
Thực tế, tại Việt Nam, Saigon Glory được biết đến nhiều hơn với tư cách chủ đầu tư Khu tứ giác Bến Thành (tên thương mại là The Spirit of Saigon). Dự án có quy mô hơn 8.500 m2, nằm tại trung tâm TP HCM với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm và Calmette.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng trên 12.000 tỷ đồng. Đầu năm 2021, dự án đổi sang Masterise Homes phát triển với tên gọi mới One Central HCM. Đến tháng 8/2022, Viva Land (từng được cho là đối tác tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan) thế chỗ Masterise Homes và đổi tên dự án thành Pearl. Thế nhưng, từ cuối năm 2022 đến nay dự án vẫn không có tiến triển.
Hiện, người đại diện theo pháp luật của Saigon Glory là ông Vũ Quang Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bitexco, Chủ tịch BB Group.
Ông Vũ Quang Bảo là em trai ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch HĐQT, nhà sáng lập Bitexco.