Thời gian qua, những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Mỹ đã bắt tay hợp tác chiến lược với Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Tiềm năng của Việt Nam trong ngành chip bán dẫn
Tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học Công nghệ ngày 9/10, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Phú Hùng đã có chia sẻ về tiến trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Theo đó, ông Hùng cho rằng, những sự hợp tác vừa qua cho thấy Việt Nam đang có cơ hội rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành chip bán dẫn.
“Trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng như sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Hai nước sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu”, - ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy, không chỉ có tiềm năng và cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành này, Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn nhân lực.
Thống kê của các hiệp hội ghi nhận, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn. Đây là khâu còn yếu khi mỗi loại chip đều đòi hỏi công nghệ rất cao, cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu.
Những giải pháp phát triển ngành chip Việt Nam
Vụ trưởng Nguyễn Phú Hùng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chip bán dẫn.
Theo ông, quy trình sản xuất chip có 3 khâu: thiết kế, chế tạo và đóng gói, Việt Nam trước mắt tập trung ưu tiên ở khâu thiết kế.
“Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Hoa Kỳ vừa chip những hợp tác chiến lược với Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn có thể khẳng định là những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam. Trước cơ hội này, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc làm chủ được thiết kế chip là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chip bởi thiết kế chip chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chip”, - ông Hùng nói.
Ngoài ra, Việt Nam còn đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, viện nghiên cứu, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp chip bán dẫn phát triển.
Ông Hùng cho biết thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển chip bán dẫn, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực này. Cũng cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo chip bán dẫn trong cả nước, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ
Bộ KH&CN cũng dự định sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư thành lập phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu chip bán dẫn.
Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của của các doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, FPT, CMC… các viện, trường có nghiên cứu liên quan tới vi mạch để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia về chip bán dẫn, qua đó tạo ra hệ sinh thái phát triển chip từ khâu thiết kế đến chế tạo trong chuỗi cung ứng.
Trên thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ưu tiên triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn, đồng thời tạo hệ sinh thái liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong thời gian qua. Từ năm 2010, chip bán dẫn đã được đưa vào danh sách các sản phẩm quốc gia.
"Mặc dù chưa được triển khai triệt để nhưng chương trình sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ thông qua chương trình này các doanh nghiệp có thế mạnh, các viện trường phối hợp cùng nhau để tạo hệ sinh thái từ khâu thiết kế đến chế tạo sản phẩm chip bán dẫn", - ông Hùng thông tin với TTXVN.
Bộ Khoa học và Công nghệ xác định, việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.
“Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này”, - vụ trưởng khẳng định.
Theo ông, trong những năm qua, Việt Nam đã bắt tay hợp tác chiến lược với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là Hoa Kỳ trong việc phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Có thể thấy, Việt Nam không chỉ trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của chip, mà còn đứng trước cơ hội trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.