Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm kiên quyết

Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xoá bỏ room tín dụng, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước kiên định quan điểm cần duy trì room tín dụng vì lo ngại rủi ro an toàn hệ thống.
Sputnik
Trong đó, Thống đốc NHNN nhắc lại, nếu tổ chức tín dụng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thì hệ thống ngân hàng có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011.

Quốc yêu cầu bỏ room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Tại Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 3 năm 2022 của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Năm 2022, Quốc hội lần đầu tiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về room tín dụng, yêu cầu tiến tới bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nhà băng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa thừa uỷ quyền của Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực đến lĩnh vực ngân hàng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng (tức room tín dụng).
Lý giải về việc giữ room tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trước năm 2011, do đặc thù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng để cân đối cho các nhu cầu vốn nên tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế và có tốc độ tăng rất nhanh.
"Việc áp room tín dụng nhằm hạn chế tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn hệ thống", - Thống đốc nêu rõ.
Dẫn chứng cụ thể, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm (2007: 51,54%; 2008: 23,38%; 2009: 37,53%; 2010: 31,19%).
Tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh, từ mức 60,6% năm 2005 lên mức 106,6% năm 2010.
"Điều này đã kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều tổ chức tín dụng có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô", - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu lo ngại.
Việt Nam: GDP Quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm ngoái

Đặc thù kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN lý giải quan điểm vì sao chưa thể bỏ room tín dụng theo yêu cầu tại Nghị quyết chất vấn của Quốc hội.
Cùng với những lo ngại đã nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng gần 52%) xuống còn khoảng từ 12%-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.
Biện pháp giữ room tín dụng cũng góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được thì hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn một số vấn đề.
Trong số này có thể kể đến như sự phân hóa giữa các ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
"Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng", - NHNN lưu ý.
Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển chưa tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và hiện đang gặp nhiều khó khăn thì áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản (khi tổ chức tín dụng chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn).
Ngân hàng Nhà nước ‘nới tay’, nhà băng đua nhau ồ ạt hạ lãi suất
Trong khi đó, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.
"Trong bối cảnh đó, áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế là rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng nên tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô như cảnh báo của một số tổ chức quốc tế", - Thống đốc bày tỏ.
Cũng theo nhà điều hành, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Tỷ lệ nợ xấu bất động sản ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng

Đảm bảo an toàn hệ thống

Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và NHNN Việt Nam cho rằng, trong điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, nếu tổ chức tín dụng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua cả hệ thống các chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng, thì hệ thống ngân hàng có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011.
Hệ luỵ này không chỉ tạo nợ xấu gia tăng và đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng, mà còn rủi ro gây bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát.
"Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường", - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiên định quan điểm.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng.
Qua đó, NHNN nỗ lực ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, để tiến tới và kiểm soát tín dụng thông qua các chỉ số an toàn, NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, điều này, cần song hành với việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng.
Thảo luận