VinFast là câu trả lời của Việt Nam với Tesla của Elon Musk
20:56, 11 Tháng Mười 2023
Cả Tesla của Elon Musk và VinFast Việt Nam đều đang có kế hoạch tiến chân vào thị trường Ấn Độ. Cuộc chơi của hai nhà sản xuất xe điện trong top đầu thế giới này tưởng như không cân sức nhưng hóa ra lại vô cùng thú vị.
SputnikHãng xe điện Việt Nam VinFast sẽ khởi đầu bằng việc đưa 3 mẫu xe sang Ấn Độ và thành lập cơ sở sản xuất ở Gujarat hoặc Tamil Nadu. Giới phân tích đang chờ xem, chiến lược ngược dòng với Tesla của VinFast sẽ thành công đến đâu.
Elon Musk: Tesla muốn đến Ấn Độ càng sớm càng tốt
Sau Tesla, Ấn Độ sẽ sớm có thêm một hãng sản xuất ô tô điện toàn cầu khác -VinFast .
Nhà sản xuất xe điện Việt Nam đang hiện thực hóa kế hoạch của mình như thế nào ở thị trường xe hơi lớn thứ ba toàn cầu này?
Forbes
Ấn Độ vừa có bài viết phân tích rất kỹ lưỡng động thái tiến vào thị trường tỷ dân của hãng xe điện Việt Nam VinFast trong cuộc đua với Tesla.
Đáng nói, Forbes đánh giá, VinFast chính là câu trả lời của Việt Nam với “ông lớn” xe điện Tesla của Elon Musk. Tuy nhiên, mọi thứ thú vị hơn rất nhiều khi cuộc đua tưởng như không cân sức này lại mở ra cho nhà sản xuất xe điện Việt Nam những cơ hội mới.
Bốn tháng trước, chính Tesla, nhà sản xuất ô tô vốn hóa lớn nhất thế giới đã nói rằng Ấn Độ là một thị trường thú vị để thâm nhập. Trên thực tế, sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tỷ phú Mỹ - người sáng lập Tesla - Elon Musk tuyên bố, hãng xe điện của ông sẽ bắt đầu hoạt động ở Ấn Độ “càng sớm càng tốt”.
Và giờ đây, đến lượt VinFast, nhà sản xuất ô tô mới nổi trị giá 18 tỷ USD của Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị thứ ba thế giới.
“Ấn Độ là thị trường ô tô lớn thứ ba trên thế giới. Mặc dù tỷ lệ thâm nhập của xe điện đang ở mức 1%, nhưng quốc gia này đang có tiềm năng rất lớn trong việc áp dụng BEV (xe điện chạy pin) mà VinFast đang mong muốn tham gia”, một đại diện của VinFast lý giải với Forbes Ấn Độ.
Nhà sản xuất xe điện Việt Nam hiện đang nghiên cứu thị trường và có thể thành lập một cơ sở sản xuất ở Gujarat hoặc Tamil Nadu - cả hai trung tâm ô tô chính của Ấn Độ.
“Chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy CKD ở Ấn Độ”, đại diện VinFast cho biết thêm.
Với hình thức CKD (Completely Knocked Down), xe được lắp ráp tại một quốc gia, sau khi nhập khẩu các bộ phận và linh kiện, với tuyến đường có mức thuế nhập khẩu thấp nhất là 15%.
Nói đơn giản, CKD là xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu, trường hợp này, hãng xe đã nhập khẩu toàn bộ linh kiện sau đó tiến hành lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh.
Đại diện VinFast xác nhận: “VinFast sẽ đưa 3 mẫu xe đến Ấn Độ là VF3, VF5 và VFe34”.
Trong đó, VF5 hiện có giá bán lẻ ở Việt Nam là 538 triệu đồng (khoảng 22.900 USD), trong khi VF3 có giá khoảng 300 triệu đồng (dưới 15.000 USD) và VFe34 ở mức 830 triệu đồng (33.000 USD). Vì xe được nhập khẩu vào Ấn Độ nên giá có thể sẽ tăng 15%.
Từ một “tay chơi non trẻ” và ít tên tuổi, thương hiệu ô tô Việt Nam VinFast bỗng nổi lên như một ngôi sao đang lên khi được định giá hơn 191 tỷ USD vào tháng 8 năm nay, sau khi chính thức
IPO tại Mỹ.
Chiến lược ngược dòng Tesla của VinFast
Forbes lưu ý rằng, công ty được hỗ trợ bởi tỷ phú giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, người sở hữu tập đoàn lớn nhất Việt Nam – Vingroup, với đa dạng các hoạt động kinh doanh từ lĩnh vực bất động sản, bán lẻ đến chăm sóc sức khỏe cùng nhiều lĩnh vực khác.
Ông Vượng, người từng học ở Nga và bắt đầu kinh doanh hãng mì ăn liền nổi tiếng ở Ukraina vào những năm 1990 trước khi quay trở lại Việt Nam, sở hữu khối tài sản ròng 4,7 tỷ USD. Trong khi đó, công ty của ông Vingroup ước tính đóng góp 1,5% vào GDP của Việt Nam vào năm 2021.
Chuyên gia Harshvardhan Sharma, người đứng đầu bộ phận bán lẻ ô tô tại Viện nghiên cứu Nomura nhìn nhận thẳng thắn rằng, quyết định của VinFast đi theo lộ trình CKD trái ngược với kế hoạch sản xuất tại địa phương của Tesla, phù hợp với một cách tiếp cận chiến lược rất thông minh.
“Mặc dù cam kết của Tesla đối với việc sản xuất tại Ấn Độ là đáng khen ngợi”, Sharma nói, nhưng lưu ý rằng, việc đi theo lộ trình CKD có thể mang lại một số lợi thế nhất định.
Theo vị chuyên gia, lộ trình này sẽ cho phép thâm nhập thị trường nhanh hơn, giảm đầu tư ban đầu và linh hoạt trong việc thích ứng với nhu cầu thị trường.
“Kế hoạch này cũng cho phép VinFast đánh giá phản ứng của thị trường trước khi cam kết sản xuất quy mô lớn”, chuyên gia phân tích.
Chiến lược đi theo lộ trình CKD của VinFast theo sau kế hoạch của gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD, hãng bán các mẫu Atto 3 và E6 phổ biến tại nước này. BYD hiện bán được gần 200 chiếc mỗi tháng, trong khi công ty dẫn đầu thị trường Tata bán gần 6.000 xe điện mỗi tháng nhờ các mẫu xe phổ biến như Nexon và Tiago.
“VinFast nên theo dõi cẩn thận những diễn biến chủ đạo tại thị trường ô tô Ấn Độ và chuẩn bị chuyển sang sản xuất nội địa hóa khi điều kiện thị trường và nhu cầu cho phép”, Sharma bày tỏ.
Từ Việt Nam ra thế giới
Như đã biết, VinFast ban đầu bắt đầu hoạt động vào năm 2017 tại Việt Nam và đến năm 2018, công ty đã mua lại một nhà máy thuộc sở hữu của General Motors tại Hà Nội, với quyền cấp phép cho chiếc Chevrolet Spark thuộc sở hữu của GM.
Công ty cũng đã hợp tác với BMW để sản xuất các phiên bản địa phương của mẫu SUV BMW 5 Series và X5 hàng đầu của công ty, giúp củng cố hoạt động kinh doanh của hãng sản xuất ô tô trong nước với doanh số tăng trưởng nhanh chóng. Đến năm 2021, hãng xe Việt này đã ra mắt hai xe tay ga điện tử mới là Theon và Feliz, cũng như xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam.
Đến năm 2022, VinFast chuyển hướng hoàn toàn sang xe điện và tung ra 3 mẫu xe điện mới là VF e34 cũng như các mẫu SUV cao cấp chạy hoàn toàn bằng điện có kích cỡ lớn hơn là VF 8 và VF 9.
24 Tháng Chín 2023, 17:34
Kể từ đó, công ty tư nhân này đã quyết định thâm nhập vào thị trường Mỹ và hiện đang bận rộn thiết lập cơ sở sản xuất xe điện trị giá 4 tỷ USD ở xứ cờ hoa.
Tuy nhiên, hiện xe của VinFast chủ yếu vẫn được sản xuất tại Hải Phòng, với công suất 300.000 xe điện mỗi năm.
Năm ngoái, VinFast đã bán được tổng cộng 7.400 xe điện, toàn bộ đều được bán tại Việt Nam. Trong số này, 4.000 chiếc là VFe34 và 3.200 chiếc khác là mẫu VF8, cùng 100 chiếc xe buýt điện khác.
“Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, chúng tôi đã nhận đặt trước gần 70.000 xe điện VF e34, VF 5, VF 8 và VF 9 trên toàn cầu, phần lớn trong số đó là đặt chỗ cho các mẫu VF 8 và VF 9 tại Việt Nam”, VinFast thông tin trong bản cáo bạch.
Năm 2023, công ty đã bán được hơn 11.000 xe trong nửa đầu năm, trong đó 7.100 chiếc được bán cho Green and Smart Mobility (GSM) - một hãng taxi Việt Nam do Tập đoàn mẹ Vingroup kiểm soát. Doanh thu quý 3 của VinFast tăng 343 triệu USD trong khi khoản lỗ ròng trong quý ở mức 623 triệu USD.
VinFast đang có kế hoạch bán từ 40.000 đến 50.000 xe trong năm nay và cũng đã chuyển sang mẫu xe hybrid ở Mỹ, nơi hãng điều hành các đại lý riêng trước khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Công ty muốn hòa được vốn vào năm 2024 và đang tìm cách bắt đầu giao hàng ở
châu Âu.
Điều đáng nói, bước đột phá của VinFast vào châu Âu cũng diễn ra vào thời điểm Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra để đánh giá xem liệu có cần áp dụng thuế trừng phạt để chống lại làn sóng xe điện rẻ hơn của Trung Quốc, được hưởng lợi từ trợ cấp của nhà nước, mở đường cho những hãng như VinFast hay không.
Tại sao VinFast chọn Ấn Độ?
Động thái nhập cuộc của VinFast vào cuộc chơi ở Ấn Độ diễn ra vào thời điểm chính phủ Ấn Độ đang giám sát chặt chẽ việc gia nhập của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc vào nước này.
Ngoài BYD, MG Motors, Ấn Độ hiện chưa có hãng xe Trung Quốc nào ở phân khúc xe điện.
“Căng thẳng địa chính trị giữa các nước đồng nghĩa với việc nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc từng có kế hoạch thâm nhập vào Ấn Độ đang bị mắc kẹt”, Forbes lưu ý.
Theo báo cáo, ngay cả kế hoạch chi 1 tỷ USD để mở rộng vốn của BYD cũng phải gác lại sau sự phản đối của chính phủ Ấn Độ.
“BYD đã tự khẳng định mình là sự lựa chọn đáng tin cậy và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng Ấn Độ. VinFast, trong vai trò là người chơi mới, chắc chắn có thể tận dụng chính những thành tựu của BYD để khẳng định tiềm năng của thị trường Ấn Độ”, Sharma cho biết.
Trong vài năm qua, phân khúc xe điện của Ấn Độ cũng chứng kiến sức hút đáng kể, khi cả các nhà sản xuất ô tô trong nước và nước ngoài đang bắt đầu phát triển các mẫu xe riêng.
Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất ô tô từ GM đến BMW và Ford dự kiến sẽ chi hơn 500 tỷ USD để phát triển các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện từ mẫu xe chạy xăng trong vài năm tới.
Tại Ấn Độ, các nhà sản xuất ô tô từ Tata đến Mahindra đã nỗ lực phát triển các mẫu xe của riêng mình khi chính phủ mong muốn có 30% tổng số xe bán ra trong nước là xe điện vào năm 2030.
Hiện tại, Tata Motors bán hơn 6.500 chiếc xe điện trong nước mỗi tháng. Theo báo cáo của Bain & Co, đến năm 2030, khoảng 40 đến 45% tổng số xe hai bánh và 15 đến 20% tổng số xe bốn bánh (xe chở khách) bán ở Ấn Độ sẽ là xe điện, trong khi chính phủ muốn thâm nhập EV đạt 40% đối với xe buýt, 30% đối với ô tô cá nhân, 70% đối với xe thương mại và 80% đối với xe hai bánh.
Tuy nhiên, khả năng chi trả vẫn là một hạn chế chính khi nói đến việc áp dụng đại trà trong một thị trường nổi tiếng là nhạy cảm về giá.
Hiện xe điện của Kia,
Mercedes, BMW và Hyundai, cùng nhiều hãng khác, đang định vị ở mức giá cao hơn, khiến chúng khó tiếp cận được với nhiều đối tượng tiêu dùng hơn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys có trụ sở tại Singapore, trong số 48.000 xe điện được bán ra trong nửa đầu năm 2022, Tata Motors đã bán được tới 34.000 chiếc, chiếm tới 72% thị trường.
Theo sau Tata Motors là MG Motors và Mahindra, bán được khoảng 5.000 xe và 4.300 chiếc trong thời gian đó. Tata Tiago là mẫu xe điện bán chạy nhất Ấn Độ, tiếp theo là Tata Nexon và Tata Tigor.
Ấn Độ có một thị trường rộng lớn và năng động với nhu cầu ngày càng tăng về xe điện, Sharma nhắc lại.
“Để có được sự tin tưởng của khách hàng Ấn Độ, VinFast phải tập trung vào chất lượng, độ tin cậy, giá cả phải chăng, đồng thời, hãng xe Việt cũng cần lấy khách hàng làm trung tâm”, chuyên gia kiến nghị.
Bên cạnh đó, việc đưa ra mức giá cạnh tranh và danh mục sản phẩm đa dạng sẽ giúp VinFast kết nối với người tiêu dùng Ấn Độ. Chuyên gia nêu điểm đặc biệt về người dùng Ấn Độ - đó là những khách hàng coi trọng sự lựa chọn và khả năng chi trả (tức hàng hóa đa dạng và giá cả hợp lý).
Thực tế, đây cũng là lý do vì sao sự gia nhập của Tesla được nhiều người chờ đợi. Tesla dự kiến sẽ chế tạo một chiếc xe điện trị giá dưới 20.000 USD và thị trường Ấn Độ, với lực lượng lao động rẻ hơn và chính sách khuyến khích liên kết sản xuất từ chính phủ, có thể giúp đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa kế hoạch này.
VinFast là câu trả lời của Việt Nam với Tesla
Được biết, từ lâu, bản thân Musk đã ủng hộ một chiếc xe điện có giá dưới 30.000 USD, nhưng ngay cả chiếc Teslas rẻ nhất cũng có giá lên tới 39.000 USD ở Mỹ.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Tesla đã phải cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô khác ở Mỹ bằng một loạt đợt giảm giá, nhờ vào vị thế dẫn đầu về chi phí.
“Đây cũng là lý do tại sao việc nhanh chóng đa dạng hóa sang các thị trường có tiềm năng to lớn như Ấn Độ lại là lựa chọn hợp lý đối với những hãng xe non trẻ như VinFast khi nhà sản xuất Việt Nam gia tăng tham vọng về xe điện và nổi lên như một câu trả lời của Việt Nam đối với Tesla”, Forbes ấn định.
Cần lưu ý, trường xe điện (EV) của Ấn Độ dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 90% trong thập kỷ này để chạm mốc 150 tỷ USD vào năm 2030, do đó, không thể phủ nhận thị trường tỷ dân này có thể đem lại rất nhiều cơ hội cho những công ty mới như VinFast.
“Thị trường ô tô của Ấn Độ rất đa dạng và đầy rẫy cơ hội. VinFast, với những chiến lược đúng đắn và khả năng thích ứng tốt, hoàn toàn có tiềm năng tạo ra chỗ đứng cho riêng mình và giành được sự tin tưởng của khách hàng Ấn Độ”, Sharma tin tưởng.
Hiện tại, nền móng cơ bản đã được xây dựng. Tất cả chỉ còn phụ thuộc vào việc VinFast có thể phát triển và hiện thực hóa kế hoạch tham vọng của mình nhanh chóng đến đâu.