4 ngân hàng Việt Nam sắp được chuyển giao bắt buộc, VPBank sẽ nhận một nhà băng

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã sẵn sàng nhận ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc.
Sputnik
Như Sputnik đã đưa tin, 4 ngân hàng yếu kém của Việt Nam thuộc diện tái cơ cấu, gồm ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là ngân hàng Xây dựng (CB), ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Trong khi đó, với trường hợp của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện vẫn đang bị kiểm soát đặc biệt, báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, NHNN đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu SCB.

VPBank sẵn sàng nhận ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc

Chiều 11/10, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), xác nhận việc nhà băng này sẵn sàng nhận ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu chiều 11/10.
VPBank là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
“Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực”, - Phó Tổng giám đốc VPBank Phạm Thị Nhung cho biết.
Theo lãnh đạo VPBank, sau khi được chuyển giao, VPBank sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng này.
Ngân hàng SCB sắp có biến động lớn, 4 nhà băng Việt Nam bị chuyển giao bắt buộc
“Với sự chuẩn bị kỹ lượng về mọi nguồn lực cần thiết, cùng với năng lực và kinh nghiệm 30 năm qua, VPBank sẽ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao - tái cơ cấu thành công ngân hàng được chuyển giao”, - bà Nhung khẳng định.
Tuy nhiên, lãnh đạo VPBank vẫn chưa tiết lộ thông tin cụ thể về ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc.
Động thái vừa qua cũng là lần đầu tiên lãnh đạo VPBank xác nhận việc tham gia tiếp quản bắt buộc một ngân hàng.

Thương vụ bán cổ phần cho SMBC của VPBank

Tại sự kiện chiều ngày 11/10, lãnh đạo ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cho biết VPBank đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng của thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác là 1 trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất của Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG).
Bà Phạm Thị Nhung cho hay, các thương vụ sẽ giúp VPBank có nguồn vốn vững mạnh, mở rộng khả năng hỗ trợ các khoản tín dụng trung và dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án phát triển xanh, các dự án hạ tầng...
Cùng với đó, VPBank cũng đã thành công huy động hàng tỷ USD nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế.
“Đặc biệt mới đây Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã ký Cam kết khoản vay song phương với VPBank trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam”, - theo Phó Tổng giám đốc VPBank.
4 ngân hàng yếu kém bị chuyển giao bắt buộc, Vietcombank, VPBank, MSB sẽ có biến động?
VPBank cũng đã thực hiện một loạt những giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm giảm lãi suất cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Gần đây nhất, VPBank đã dành một gói vay trị giá 13,000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm để hỗ trợ khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh.
Với những nỗ lực đó, tăng trưởng tín dụng của VPBank từ đầu năm tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành.
“Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, là một doanh nhân, chúng tôi quan luôn quan niệm rằng VPBank phát triển không chỉ vì lợi ích của cá nhân, các cổ đông, VPBank ý thức rằng phải có trách nhiệm với cộng đồng, với toàn xã hội đúng như tôn chỉ, mục đích "Vì một Việt Nam Thịnh vượng" của VPBank. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và tin tưởng tuyệt đối đường lối lãnh đạo chỉ đạo của Đảng cùng vượt qua khó khăn, thách thức”, - sếp VPBank chia sẻ.

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện chuyển giao bắt buộc, SCB chờ cơ cấu

Tại phiên họp thường niên hồi cuối tháng 4/2023, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cũng xác nhận việc “VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một nhà băng.
Như Sputnik đã thông tin, hiện hệ thống đang có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Trước VPBank, Vietcombank và MB cũng đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng. Trong đó, Vietcombank dự kiến sẽ tiếp nhận CBBank còn OceanBank được cho là nhận hỗ trợ từ MBBank.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội cho biết, năm 2022 NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối các tổ chức tín dụng yếu kém.
Số này gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank). Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của hai ngân hàng mua bắt buộc.
Rút vốn khỏi Eximbank, SMBC sẽ mua lại cổ phần tại VPBank?
Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
Nhà điều hành cũng quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Riêng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Thảo luận