Theo các nguồn tin Sputnik có được, các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội vào cuối tháng Mười hoặc đầu tháng Mười Một, chỉ gần một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023.
Ba chuyến thăm Việt Nam đáng chú ý trong năm 2023
Các chuyến thăm và làm việc của các nguyên thủ hoặc lãnh đạo cấp cao của các cường quốc tới Hà Nội diễn ra với mật độ cao trong năm 2023 trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.
“Trong loạt sự kiện ngoại giao có tầm quan trọng này, đã làm nổi rõ không chỉ phương châm “ngoại giao cây tre” của Việt Nam là còn chứng minh cho một phương châm xử thế được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử Việt Nam. Đó là “Đi với Bụt thì mặc áo cà sa. Đi với ma thì mặc áo giấy”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Từ ngày 9 đến ngày 10/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Kết quả của hội đàm là hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.
Một cuộc họp báo chung đã được tổ chức với các tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại cuộc họp báo, một tuyên bố chung 10 điểm rất chi tiết đã được công bố trước toàn thế giới.
Trước đó, từ ngày 21 đến ngày 22/5/2023, phái đoàn cấp cao Liên bang Nga do Tổng thư ký Đảng nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga Dmitry Medvedev dẫn đầu đến Hà Nội theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã ra tuyên bố chung ngắn gọn gồm 6 mục. Trong đó hai vấn đề được nhấn mạnh nhất là “Tích cực tham gia vào đối thoại chính trị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ở cấp cao và cấp cao nhất, nhằm thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương” và “Tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
“Nhiều chuyên gia nghiên cứu rất chú ý đến bản “Tuyên bố chung Việt – Mỹ”. giới truyền thông cũng có nhiều bình luận về văn kiện này. Tuy nhiên, ít ai để ý đến “Tuyên bố chung Việt – Nga” được ký kết bởi hai người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nước Nga thống nhất. Đơn giản là nội dung của Tuyên bố chung Việt – Nga khá sơ sài đến mức nhiều người gọi là “Tuyên bố chung chung”. Tuy nhiên, đó là cách nhìn thông thường, bình thường, thậm chí là tầm thường. Quan hệ Việt – Nga đã phát triển đến mức chỉ cần nói với nhau một vài câu ngắn gọn là đã có thể hiểu nhau đến tận “chân tơ kẽ tóc” thì chắc chắn là hai bên không cần nhiều lời lẽ để diễn giải”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long cũng lưu ý rằng: Đối với quan hệ Việt - Mỹ, cho dù quan hệ ấy có tầm mức đối tác chiến lược toàn diện thì vẫn rất cần phải chi tiết hóa từng câu từng chữ.
Và theo các nguồn tin Sputnik có được, vào dịp cuối năm 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thăm và làm việc tại Việt Nam với thời điểm gần trùng với thời điểm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc trước đó một năm.
Việt Nam đã thực sự là “người chơi cờ” sòng phẳng, bình đẳng
“Những đồn đoán về việc Chủ tịch Trung Quốc vội thăm Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam để xem Việt Nam còn trung thành với mình hay không hoàn toàn là những thủ đoạn bịa đặt và không có cơ sở. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Việt Nam và Trung Quốc sẽ thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao định kỳ 1 đến 2 năm/lần. Đây không đơn thuần chỉ là chuyện đáp lễ mà là các chuyến công du thực chất nhằm củng cố quan hệ hai bên và bàn các biện pháp chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Điều này nằm trong nhận thức chung có tính nguyên tắc của hai bên”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
TS Hoàng Giang nói thêm rằng, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của ông Tập Cận Bình cũng mang ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam trong bối cảnh bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington trong tranh giành quyền ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương.
“Về phía Trung Quốc, trước sự “bành trước ảnh hưởng” của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà Biển Đông là một trong ba trọng điểm (hai trọng điểm còn lại là Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên) thì đương nhiên, Trung Quốc sẽ tìm cách tái cân bằng ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực Đông Nam Á mà có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung. Và Việt Nam một lần nữa lại trở thành “tâm điểm của tâm điểm” trong mối quan hệ cạnh tranh tay ba Nga – Trung – Mỹ”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.
Ông cũng nói thêm rằng, khác với quan hệ Mỹ - Nga, mối quan hệ leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng vẫn có những động thái, những dấu hiệu chỉ báo cho thấy Mỹ vẫn cần Trung Quốc ở một mức độ nhất định để tiếp tục cô lập Nga. Trong khi Trung Quốc cần Việt Nam để giữ ổn định sườn phía Đông Nam của họ cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc với Cộng đồng ASEAN thì Mỹ cũng cần Việt Nam trong “ván cờ” cạnh tranh chiến lược toàn cầu mà họ đang “chơi” với Trung Quốc.
“Việt Nam từ năm 2014 đã khác rất xa với Việt Nam năm 1954. Việt Nam không còn là “quân cờ” trong tay các nước lớn mà đã thực sự là “người chơi cờ” sòng phẳng, bình đẳng trong mọi quan hệ quốc tế. Vì vậy, chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch Tập Cận Bình là sự kiện thứ ba trong năm 2023 khẳng định chắc chắn vai trò “người chơi cờ” của Việt Nam khi xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả ba thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.