SCB bị rút tiền và loạt sự cố bất lợi, nợ xấu ngân hàng Việt Nam vượt 3,5%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56% (cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020).
Sputnik
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ.

Nợ xấu nội bảng lên mức 3,56%

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy tỷ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Theo NHNN, đến tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020.
Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu này đã bao gồm cả 5 ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD ở mức 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ.
Sau vụ SCB móc nối Manulife, Bộ Tài chính thanh tra loạt công ty bảo hiểm nhân thọ
Trong số này chủ yếu là các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái, như NHNN đã báo cáo trước đó.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến nay, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro.
Thống kê từ NHNN cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.695,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, tổ chức tín dụng tự xử lý 1.271,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 75% trong tổng nợ xấu đã được xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) 424 nghìn tỷ đồng.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng đạt được kết quả tích cực.
Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (15/8/2017) đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 425,9 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết.

Khó khăn xử lý nợ xấu

NHNN cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước cũng phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu theo Nghị quyết 134/2020/QH14, Nghị quyết 63/2022/QH14.
Từ 3 năm trước, Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%.
NHNN đã duy trì được tỷ lệ này cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022, nhưng đến nay đã vượt trên 3%.
Dịch bệnh, xung đột chính trị kéo dài, khó khăn kinh tế từ bên ngoài cùng loạt biến cố trong nước như sự cố SCB khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây.
Từ vụ trái phiếu SCB-Vạn Thịnh Phát có diễn biến mới, trái chủ sắp lấy lại được tiền?
Trong đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu, chứng khoán chưa hồi phục, thêm nữa, sự cố tại SCB vào tháng 10/2022 được xem là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống khiến công tác điều hành của NHNN gặp vô vàn khó khăn.
Ngoài ra, chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng đi xuống rõ rệt từ năm ngoái. Theo thông tin trên VnExpress, có 7 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 vượt 3%, gồm NCB là 25,6%, ABBank 4,5%, BVBank 4,4%, VPBank 3,9%, VietBank 3,9%, OCB 3,18% và PGBank hơn 3%.
Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp không kiểm soát được nợ xấu dưới ngưỡng quan trọng 3%, các ngân hàng có thể bị giới hạn hoạt động, cũng như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác.

Áp lực nợ xấu tăng

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, trong thời gian tới, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục chịu áp lực từ một số yếu tố.
Theo nhà điều hành, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraina còn phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế.
Cùng với đó, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ.
NHNN đánh giá, những diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước này có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD.
“Công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp đang chịu tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ”, NHNN cho biết.
Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế.
Sau lùm xùm với SCB, Manulife mất hàng ngàn tỷ trả cho khách hủy hợp đồng
Đáng nói, việc thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.
“Ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của TCTD kéo dài và kém hiệu quả”, NHNN nhấn mạnh.

Nợ xấu sẽ đạt đỉnh rồi giảm dần

Theo báo cáo của các công ty chứng khoán cũng như lãnh đạo một số ngân hàng, nhiều khả năng nợ xấu tại Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau, theo chiều hướng nền kinh tế khởi sắc, sẽ giúp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh cũng như giảm quy mô nợ xấu của các TCTD.
Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng kèm theo Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/8/2022, góp phần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó lưu ý chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp (nếu cần thiết).
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm kiên quyết
Tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng trong hệ thống đã tăng từ 1,9% trong quý 1 lên 2,1% trong quý 2, mức tăng này đã chậm hơn so với quý 1.
Điểm tích cực là tỷ lệ hình thành nợ xấu của các ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, nhưng có sự phân hoá.
Theo Chứng khoán KB, các ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân như TCB, VPB…sẽ chịu áp lực nợ xấu lớn hơn nhóm ngân hàng có danh mục an toàn như VCB, ACB.
Đồng thời,ban hành Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ các ngân hàng trong việc phân loại nhóm nợ cho khách hàng, hỗ trợ một phần giảm căng thẳng với tỷ lệ nợ xấu trong năm nay.
Tuy nhiên KBSV cho rằng, quy mô của đợt cơ cấu nợ này sẽ nhỏ hơn so với đợt cơ cấu do dịch Covid-19 khi Thông tư 02 chỉ cho phép cơ cấu các khoản nợ nhóm 1.
“Dựa trên những phân tích trên, KBSV kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý 3 và được kiểm soát trong giai đoạn cuối năm khi triển vọng nền kinh tế tích cực hơn, tình hình tài chính của khách hàng cũng được cải thiện”, báo cáo tin tưởng.
Thảo luận