Đây là phương án do nhà sản xuất bộ phim đưa ra trong buổi làm việc với Cục Điện ảnh, sau khi bộ phim nhận về phản ứng trái chiều của khán giả liên quan một số chi tiết lịch sử. Việc điều chỉnh như trên nhằm tránh sự liên tưởng đến các bang hội có từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc.
Cục Điện ảnh thẩm định lại phim Đất rừng phương Nam
Ngay sau các suất chiếu ra mắt, bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dàn dựng, Trấn Thành trong vai trò nhà đồng sản xuất đã nhận về hai luồng dư luận. Theo đó, nhiều khán giả cho rằng đây là tác phẩm hoành tráng và nhiều cảm xúc về con người Nam Bộ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt rằng phim Đất rừng phương Nam xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn, hạ thấp vai trò của Việt Minh. Do đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Cục Điện ảnh thẩm định lại bộ phim.
Được biết, từ cuối tháng 9/2023, Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã tiến hành thẩm định, phân loại phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" do Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân sản xuất.
Thời điểm đó, 100% thành viên trong Hội đồng thống nhất kết luận, phim không vi phạm Luật Điện ảnh, đồng thời cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Tuy nhiên, sau buổi công chiếu, dù phim chưa chính thức ra rạp nhưng trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội đã xuất hiện những tranh cãi xoay quanh bộ phim này.
Theo đó, trong phiên bản điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, có tình tiết nhân vật Võ Tòng "tả xung hữu đột" giữa pháp trường, cùng các bang phái có tên gọi "Thiên Địa hội", "Nghĩa Hòa đoàn" nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Đáng nói, đây là tên gọi gợi nhớ những bang hội xuất hiện từ thời nhà Thanh bên Trung Quốc.
Sửa tên Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn”
Liên quan đến vụ việc, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho hay, chiều qua 14/10, Hội đồng thẩm định, phân loại phim quốc gia và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim.
Sau khi thẩm định lại, Cục đã mời nhà sản xuất, đoàn phim "Đất rừng phương Nam" đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim. Tại buổi làm việc, nhà sản xuất phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim.
Theo đó, đơn vị này sẽ bỏ tên và lời thoại có nhắc đến tên “Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn”, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.
Cụ thể, sau khi chỉnh lại, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ "Nghĩa Hòa đoàn" thành "Nam Hòa đoàn" và "Thiên Địa hội" thành "Chính nghĩa hội". Điều này nhằm tránh sự liên tưởng đến các bang hội có từ thời nhà Thanh của Trung Quốc.
Nhà sản xuất cũng sẽ điều chỉnh dòng chữ “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết 'Đất rừng phương Nam' của nhà văn Đoàn Giỏi” lên đầu phim, nhằm làm rõ hơn ý đoàn phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình đã in dấu trong lòng khán giả.
“Nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10 tới", báo An ninh Thủ đô dẫn lời ông Vi Kiến Thành.
Yếu tố lịch sử, nhân vật tiểu thuyết chỉ là cảm hứng để làm phim
Theo ông Thành, phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" có biên tập tương đồng với phim truyền hình "Đất phương Nam" lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945.
Sự thay đổi này là do bộ phim muốn mô tả ở phần một câu chuyện bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau.
"Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào mà chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho hay.
Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể.
Nhà sản xuất định hướng xây dựng nhân vật Hai Thành, cha của bé An, cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau. Còn việc nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy giáo Bảy tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này.
Ở phần tiếp theo, phim sẽ được phát triển để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.
Ông Thành nói thêm, phim Đất rừng phương Nam được xây dựng với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết chỉ là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim.
Cũng theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng đứng đầu ở Trung Quốc. Những cái tên này chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn để hoạt động độc lập ở Việt Nam.