Việt Nam: Doanh nghiệp sợ Kiểm toán Nhà nước

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp có tâm lý sợ Kiểm toán Nhà nước.
Sputnik
Đã từng có vị đại biểu Quốc hội thẳng thắn chia sẻ rằng kiểm toán đi đến đâu, doanh nghiệp lo sợ đến đấy.

Sợ Kiểm toán Nhà nước

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước góp ý về công tác xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp định giá đất.
Trong đó, HoREA cho biết, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp có tâm lý sợ Kiểm toán Nhà nước.
Họ sợ bị thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế vì thường dẫn đến bị "xuất toán" làm tăng doanh thu, tăng lợi nhuận chịu thuế, bị phạt thuế, thậm chí bị xử lý theo pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến tâm lý sợ Kiểm toán Nhà nước, theo HoREA, chủ yếu do quy định pháp luật chưa đầy đủ hoặc chưa đủ rõ hoặc có một số quy định chưa thật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hoặc có một số doanh nghiệp có lúc có nơi chưa tuân thủ, chưa chấp hành pháp luật đầy đủ hoặc vẫn còn tình trạng kê khai sai, thậm chí kê khống khối lượng, giá trị, chi phí…
Trước đó, phát biểu ở nghị trường Quốc hội, cũng từng có đại biểu đề cập về vấn đề doanh nghiệp sợ kiểm toán. Còn nhớ khi đó, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền của Đoàn Lâm Đồng khi đó, người nổi tiếng với rất nhiều phát ngôn thẳng thắn, không ngại động chạm đến các vấn đề gai góc của đất nước, cho rằng, kiểm toán đi đến đâu, doanh nghiệp đều rất lo và sợ bởi quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước là rất lớn.
Tuy nhiên, cần khách quan nhìn nhận, mục tiêu tối thượng của hoạt động Kiểm toán nhà nước là tất cả vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.
Mục tiêu kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, ngoài xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính, báo cáo đầu tư hay cung cấp các tài liệu, số liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước thì còn nêu ra kiến nghị đối với các đơn vị chấn chỉnh các tồn tại, sai sót hay các vấn đề chưa hoàn thiện trong quản lý tài chính, tài sản của mình.
Từ vụ SCB móc nối với Manulife: Kiểm toán Nhà nước làm rõ ngân hàng có bắt tay bảo hiểm
Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cung cấp thông tin và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhanh chóng phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, thất thoát để ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Không đủ sức kiểm toán đầy đủ tất cả các trường hợp

Trong văn bản của mình, HoREA, cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất là nội dung rất quan trọng cần được xây dựng hoàn thiện trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).
Đặc biệt là công tác xác định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất, nhất là các dự án nhà ở thương mại, đô thị nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Hiệp hội nhắc lại, đất đai là tài sản công do đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân theo quy định của Hiến pháp, luật Đất đai, luật Quản lý, sử dụng tài sản công và luật Kiểm toán Nhà nước.
Cho nên, về nguyên tắc, để đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất để đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh.
Trong đó có hoạt động xác định giá đất đều thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán theo quy định tại khoản 5 điều 3 và điều 4 luật Kiểm toán Nhà nước 2015.
Nhưng, HoREA lo ngại, nếu cơ quan kiểm toán nhà nước lại hiểu máy móc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là tài sản công đều thuộc đối tượng phải được kiểm toán, mà không phân biệt các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, dự án đô thị, nhà ở thương mại, kể cả dự án nhà ở xã hội có sử dụng đất nhưng có nguồn gốc đất là do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (không phải là đất do Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng rồi giao đất cho doanh nghiệp) và doanh nghiệp không sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhưng lại cũng "bị" kiểm toán các dự án này thì điều này là "không hợp lý".
HoREA nhấn mạnh thêm: "Cơ quan kiểm toán nhà nước cũng không đủ sức để kiểm toán tất cả các trường hợp".
Hiệp hội dẫn chứng, Kiểm toán Nhà nước khi thực hiện kiểm toán hoạt động phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM thì đã kiểm toán cả 3 dự án nhà ở xã hội do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, là chưa thật hợp lý.
Bởi lẽ, cả 3 dự án này đều do doanh nghiệp tự mua đất và đầu tư bằng vốn vay tín dụng thương mại, không hề được vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Quảng Ngãi: Kiểm toán Nhà nước vạch ra loạt sai phạm cấp quyền khai thác khoáng sản

Kiến nghị

Do đó, Hiệp hội nhận thấy, Kiểm toán Nhà nước rất cần thiết phải tập trung thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất là đất công hoặc đất do Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, dự án nhà ở thương mại, đô thị, dự án nhà ở xã hội mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Trong đó, có hiện kiểm toán việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
HoREA cho rằng, cần thiết thực hiện kiểm toán để đánh giá tính hiệu quả của phương thức nộp tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm và nên khuyến nghị áp dụng phổ biến phương thức trả tiền thuê đất hàng năm và nên khuyến nghị xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng phương thức nộp tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê theo chủ trương của Nghị quyết 18.
Do đó, HoREA đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét thực hiện kiểm toán để đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước đối với trường hợp áp dụng phương thức nộp tiền sử dụng đất 1 lần cho cả thời gian thuê và phương thức nộp tiền thuê đất hàng năm của các dự án sản xuất kinh doanh sử dụng đất phi nông nghiệp, để thực hiện Nghị quyết 18.
Hiệp hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét đề xuất của UBND TP.HCM tại Văn bản số 477 áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp xác định giá đất bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất.
Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản nhà ở thương mại, đô thị có sử dụng đất, không phân biệt thửa đất, khu đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất.
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét không cần thiết thực hiện kiểm toán đối với dự án nhà ở xã hội có sử dụng đất, nhưng có nguồn gốc đất là do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (không phải là đất do Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng rồi giao đất cho doanh nghiệp) và doanh nghiệp không sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Thảo luận