Di sản của chủ nghĩa thực dân hay tham vọng vô độ?
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc về đường biên giới ở Tây Tạng bắt nguồn từ thời thuộc địa. Năm 1914, Vương quốc Anh và Tây Tạng, lúc đó là một quốc gia độc lập, đã ký thỏa thuận, trong đó xác định đường biên giới trên vùng núi giữa hai nước. Khi Ấn Độ giành độc lập và đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc, vấn đề biên giới lại nảy sinh theo cách mới. Cả hai quốc gia đều không đồng ý với đường biên giới này, vốn không thực sự được đánh dấu rõ ràng trên thực địa, đó là lý do tại sao nó còn được gọi là Đường kiểm soát thực tế.
Vào tháng 10 năm 1962, Trung Quốc đã vượt qua Đường kiểm soát thực tế phát động một cuộc chiến tranh thực sự chống lại Ấn Độ. Trung Quốc đã chiếm được một phần lãnh thổ mà Ấn Độ coi là của mình. Chiến tranh kết thúc với thất bại của Ấn Độ, tổn thất của họ lên tới hơn 3 nghìn người. Liên Xô lúc đó đã không ủng hộ Trung Quốc, mặc dù Mao Trạch Đông thực sự trông cậy vào điều đó.
Kể từ đó, Đường kiểm soát thực tế trở thành điểm nóng trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc. Đụng độ thường xuyên xảy ra giữa lực lượng biên phòng hai nước, đôi khi dẫn đến thương vong. Xung đột mới nhất xảy ra vào tháng 5 năm 2020, khi lính biên phòng hai nước giao tranh ở khu vực lịch sử Ladakh của Ấn Độ. Trong cuộc xung đột hai bên không sử dụng súng, chỉ dùng đá và gậy gộc. Tuy nhiên, phía Ấn Độ nói về tổn thất của mình: 20 người thiệt mạng, 76 người bị thương. Về phía Trung Quốc – 4 người chết, 1 người bị thương.
Xung đột ở Ladakh không dẫn đến cuộc chiến tranh toàn diện nhưng đã làm mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn. Vì vậy, tuyên bố gần đây về việc hai bên muốn giải quyết tranh chấp biên giới “càng sớm càng tốt” đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Tuyên bố này được đưa ra tại vòng đàm phán lần thứ 20 giữa các chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc, diễn ra ở thị trấn Chushul-Moldo trên lãnh thổ Ấn Độ. Trong tuyên bố chung, hai bên cũng “nhất trí duy trì liên lạc, đối thoại thông qua các kênh quân sự, ngoại giao và giải quyết các vấn đề tồn đọng càng sớm càng tốt”, cũng như duy trì “hòa bình và yên ổn” dọc biên giới Trung - Ấn.
Phải chăng mọi chuyện trong quan hệ Trung - Ấn sẽ suôn sẻ như vậy?
Trong khi các tướng lĩnh Trung Quốc thảo luận các cách giải quyết tranh chấp biên giới tại bàn đàm phán với Ấn Độ, thì diễn đàn quốc tế về hợp tác xuyên Himalaya cũng diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc, cách bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ 100 dặm. Phát biểu tại diễn đàn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi:
“Chúng ta phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ, hỗ trợ nhau trong các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi, nhất quyết giải quyết khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, cùng nhau xây dựng một đại gia đình đoàn kết xung quanh dãy Himalaya".
Điều kỳ lạ là trong số những người tham gia diễn đàn này lại không có phái đoàn Ấn Độ mà có đại diện của hàng chục quốc gia khác, kể cả những quốc gia ở xa Himalaya như Chile và Kenya. Nhưng ở đó không có Ấn Độ, mặc dù liệu có thể có “một gia đình dân tộc duy nhất quanh dãy Himalaya” nếu không có hiện diện của Ấn Độ?
Thực tế này tỏ ra đáng báo động. Về phía Trung Quốc, gần Đường kiểm soát thực tế, lãnh thổ vẫn tiếp tục phát triển, nông dân Trung Quốc định cư ở đó, xây dựng nhà ở và bắt đầu điều hành trang trại của riêng mình. Chiến thuật này quen thuộc với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi họ phát triển các đảo tranh chấp theo cách tương tự. Việc đưa ra các vùng đất đã phát triển trước cộng đồng thế giới như của riêng mình sẽ dễ dàng hơn.
Vì vậy, dù tôi tin Ấn Độ và Trung Quốc chân thành muốn giải quyết tranh chấp biên giới lâu đời, nhưng vẫn còn đó những nghi ngờ nghiêm túc về điều này.