Những trang sử vàng

Người Việt đã hiến máu cứu sống những thương binh Hồng quân

Trong bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài "Những trang sử vàng", Sputnik tiếp tục chủ đề về cuộc tìm kiếm những người Việt Nam tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức.
Sputnik
Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi không chỉ xác định được tên, tuổi sáu chiến binh OMSBON người Việt mà còn tên, tuổi một đồng hương của họ vì lý do sức khỏe đã không được toại nguyện ra mặt trận.

Niềm tin của Đại tướng Lê Đức Anh

Vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, trong cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh Matxcơva (tiền thân của Sputnik hiện tại), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Lê Đức Anh, người sau này trở thành Chủ tịch nước, đã nói:

"Những người yêu nước Việt Nam đã vô cùng lo âu dõi theo hành động hiếu chiến tàn bạo của bọn phát xít Hitler trên đất Liên Xô. Và thật vui mừng xiết bao khi chúng tôi được biết rằng quân dân Xô viết đã đánh bật bọn xâm lược ra khỏi đất đai quê hương và giải phóng châu lục khỏi chủ nghĩa phát xít! Chiến thắng này đã cổ vũ truyền xung lực cho chúng tôi vùng lên hoàn thành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám" - ông nói.

"Trong trận giao tranh lịch sử đối chọi với chủ nghĩa phát xít Đức ở ngay cửa ngõ Matxcơva để bảo vệ thủ đô Liên Xô đã có nhóm các đồng chí người Việt tham gia. Thực tế đó phản ánh tình cảm mà tất cả những người yêu nước Việt Nam dành cho Liên Xô. Với cuộc chiến đấu thần thánh của những người anh em Xô viết, chắc hẳn không một ai trong chúng tôi có thể bàng quan đứng bên ngoài", - ông nói thêm.

Niềm tin này của đại tướng Lê Đức Anh được khẳng định qua số phận của ông Lê Tự Lạc, người một thời gọi là Lê Phan Tiến. Và Lý Phú San là họ tên do vị lãnh tụ Việt Nam Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đặt cho ông khi còn ở Paris.
Chân dung của Lý Phú San

Một phần ba cuộc đời – trên đất Nga

Vào đầu những năm 1930, Lý Phú San được tổ chức cách mạng gửi từ Paris sang Liên Xô để theo học Đại học Cộng sản Đông phương ở Matxcơva. Sau đó, ông làm việc một thời gian trong xưởng đường sắt ở thành phố Gomel, nơi ông từng qua đợt thực tập lao động khi còn là sinh viên. Năm 1937, ông trở lại Matxcơva và bắt đầu làm việc trong một bệnh viện thủ đô, thực hiện chức trách của một nhân viên y tế trẻ tuổi phụ giúp cho các y bác sĩ.
Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin tòng quân. Nhưng vì lý do sức khỏe, ông đã không được toại nguyện ra mặt trận, mà ở lại phục vụ trong một quân y viện ở thủ đô. Nhân viên người Việt mảnh khảnh này tham gia việc chữa trị cho các thương binh Hồng quân và đã mấy lần hiến máu cứu sống các đồng đội Xô-viết. Lý Phú San cũng góp sức xây dựng các công trình phòng ngự ở ngoại ô Matxcơva. Nhiều đêm ông túc trực trên trạm gác phòng không, cùng mọi người dập tắt những đám cháy bùng lên do máy bay phát xít ném bom.
Đến đầu năm 1942, đội quân hung hãn của kẻ thù phát xít đã bị đánh bật ra xa Matxcơva. Cùng trong thời gian này, tại Liên Xô đã tạo lập nền tảng công nghiệp hùng hậu, trước hết là ở các khu vực miền đông của đất nước cách xa tiền tuyến. Các xí nghiệp mới được xây dựng trên địa bàn này, những nhà máy từ miền tây Liên Xô cũng được di chuyển sơ tán về đây. Rất cần những bàn tay thợ. Lý Phú San được cử về miền đông, nơi đang là mặt trận lao động hàng đầu của đất nước Xô-viết.
Ông nhận công tác tại Ural, vùng Sverdlovsk, tại một nhà máy sản xuất thiết bị khai thác mỏ, sau đó tại một nhà máy sản xuất các bộ phận cho súng cối và bom máy bay, tham gia xây dựng nhà máy điện thuộc nhà máy nhôm sản xuất kim loại cho máy bay chiến đấu. Để tưởng thưởng vinh danh chiến thắng trước phát xít Đức, ông Lý Phú San đã được trao tặng huy chương "Vì thành tích lao động xuất sắc trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại". Từ đầu những năm 50, ông làm giám đốc sân vận động ở trung tâm khu vực Sverdlovsk, nhiều lần được trao bằng khen ghi nhận kết quả công tác tiên tiến.
1 / 2
Lý Phú San với những người bạn Nga ở Sverdlovsk
2 / 2
Lý Phú San ở Sverdlovsk vào những năm 50
Năm 1956, ông Lý Phú San trở về Hà Nội, tìm lại người vợ hiền là bà Đặng Thị Loan. Ông tham gia xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì, công trình được thực hiện với sự giúp đỡ của phía Liên Xô. Sau đó, ông là nhân viên trong Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Ông Lý Phú San từ trần năm 1980, hưởng thọ 80 tuổi. Mười hai năm sau, con gái ông là Lê Thị Phượng sang Matxcơva để bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Nga, ngôn ngữ thấm đượm tình yêu do người cha truyền lại. Năm 1992, chị Lê Thị Phượng mang di cốt của cha mình sang Matxcơva thờ phụng, rồi năm 2000 an táng song thân trong nghĩa trang Mitino ở thủ đô Nga, mảnh đất mà ông Lý Phú San từng góp công sức bảo vệ khỏi bọn Đức Quốc xã.
Vợ và con gái của Lý Phú San

Con gái và cháu ngoại của ông Lê Phú San cung kính đặt lên bàn thờ các phần thưởng của Liên Xô

Chị Lê Thị Phượng tự hào khoe với tôi những phần thưởng của người cha. Tấm huân chương mà ông đã được trao tặng trong năm chiến thắng 1945, các huân chương khác và Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất mà ông được truy tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng.
"Chiến thắng này là bước ngoặt trong sự phát triển của phong trào cách mạng ở Việt Nam, - chị Lê Thị Phượng nói. - Chiến thắng này quyết định việc hoàn thành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam có sự kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay. Cũng như cha tôi, bản thân tôi coi nước Nga là Tổ quốc thứ hai của mình".
Huân chương và huy chương của Liên Xô của Lý Phú San
Chị Lê Thị Phượng phẫn nộ lên tiếng về những nỗ lực sửa lại lịch sử chiến tranh và hạ thấp vai trò của Liên Xô trong chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít.
"Thật đáng xấu hổ khi bóp méo sự thật về vai trò quyết định của Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít và giành thắng lợi cho các lý tưởng hòa bình và an ninh. Những lý tưởng này phải là lý tưởng chủ đạo của mọi người, mọi nhân vật chính trị".
Con trai của chị Lê Thị Phượng có họ tên là Lê Mikhail – họ Việt của ông ngoại, đã tốt nghiệp trung học ở Matxcơva, tốt nghiệp Học viện Tài chính năm 2021 và đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng ở thủ đô Nga. Lê Thị Phượng cho rằng, ông ngoại có thể tự hào khi có được một đứa cháu xuất sắc như vậy. Và bản thân Mikhail đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik:
Tôi tự hào về ông mình. Ông là hình mẫu cho tôi noi theo trong cuộc sống, là tấm gương về nếp chăm chỉ, tinh thần lạc quan, kiên trì vượt khó. Khi nghĩ về cuộc đời của ông, tôi luôn tự hào về ông, vì phần đóng góp khả thi của ông vào chiến thắng chống phát xít. Và tôi tôn trọng sâu sắc ông mình cũng như tất cả những người Nga đã cống hiến hết sức lực để giành chiến thắng.
Con gái và cháu trai của Lý Phú San
Thảo luận