Tuy nhiên, WB bày tỏ quan ngại về việc phía Việt Nam triển khai các dự án rất chậm.
WB sẽ cho Việt Nam vay 5-7 tỷ USD
Sáng nay 16/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với đoàn của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Cuộc họp nhằm tìm kiếm các giải pháp hợp tác về cải thiện cơ sở hạ tầng chung cho Việt Nam cũng như hỗ trợ của WB về tài chính giúp các dự án của Bộ GTVT.
Tại đây, bà Turk nhắc lại, tại cuộc họp ngày 7/9 giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch WB Ajay Banga, Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị WB trong ba năm tới cho vat khoảng 5-7 tỷ USD.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk
© Ảnh : Cổng thông tin Bộ GTVT
Khoản vay này sẽ được Việt Nam dùng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là cho đường sắt, cao tốc, đường quốc lộ cũng như hạ tầng giao thông đô thị lớn của đất nước.
Phát biểu với lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết, Ngân hàng Thế giới mong muốn Bộ GTVT đề xuất cụ thể đầu tư cho dự án nào, kế hoạch triển khai ra sao, để WB có thể thực hiện được trong khung thời gian mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu.
"WB quan ngại về tiến độ triển khai", - bà Turk thừa nhận và cho biết, thực tế, phía Việt Nam các dự án triển khai rất chậm.
Đại diện Ngân hàng Thế giới dẫn chứng dự án phát triển các hành lanh đường thủy và logistics phía Nam, hiện vẫn chưa xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Trong khi dự án đã được triển khai 6 năm mà hai bên còn chưa đàm phán xong, tiến hành ký được hiệp định vay.
Do đó, đại diện Ngân hàng Thế giới băn khoăn phải làm sao để các dự án hợp tác giữa WB và Việt Nam trong thời gian tới được "hoàn thành đúng tiến độ".
Bộ trưởng GTVT đề nghị WB giúp Việt Nam làm các dự án quan trọng
Trả lời về vấn đề tiến độ chậm mà đại diện WB trăn trở, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, với dự án phát triển các hành lang đường thủy, logistics khu vực phía Nam, do có luồng tuyến đi qua đất rừng nên còn vướng mắc về thủ tục, dẫn đến có sự chậm trễ.
"Bộ GTVT đã chỉ đạo điều chỉnh luồng tuyến, đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ", - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Ông cho hay, dự kiến, trong tháng 10/2023 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để đảm bảo tiến độ tháng 12/2023 ký hiệp định vay vốn.
Bàn thảo kỹ lưỡng về khả năng hợp tác hai bên trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị WB nghiên cứu dành vốn vay cho một số dự án quan trọng của Việt Nam.
Cụ thể, phía Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ lĩnh vực đường sắt có dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, dài 140km, đường đôi/đơn, khổ tiêu chuẩn 1,435m với tổng vốn đầu tư phân kỳ đường đơn khoảng 3,2 tỷ USD. Hiện tư vấn trong nước đã hoàn thành báo cáo giữa kỳ, 6 tháng đầu năm 2024 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và sau đó WB có thể tiếp cận hồ sơ nghiên cứu.
Về lĩnh vực đường bộ, hiện có hai dự án đường cao tốc là tuyến Pleiku – Quy Nhơn và Cam Lộ - Lao Bảo. Trong đó, tuyến Pleiku – Quy Nhơn dài 151km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 35.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17 m, khoảng 44.000 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh.
Trong khi đó, tuyến Cam Lộ - Lao Bảo dài 70 km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17 m, khoảng 14.500 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh.
Bộ trưởng thông tin, hai dự án này đang được tư vấn trong nước hoàn thành báo cáo giữa kỳ, dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo tiền khả thi vào giữa năm 2024. Sau khi tư vấn trong nước hoàn thành báo cáo tiền khả thi thì WB có thể tiếp cận hồ sơ để nghiên cứu.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các dự án kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, các dự án, hoạt động sáng kiến liên quan tới việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải và thực hiện những cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26 tại Anh.
Về đường sắt, Bộ trưởng cho hay, cần nghiên cứu xây dựng các bộ tiêu chuẩn liên quan đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp vận chuyển container bằng đường sắt tại các cảng biển, kho bãi. Về đường cao tốc, Việt Nam cần được hỗ trợ trong công tác triển khai thành lập, xây dựng quản lý vận hành Trung tâm kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ (Trung tâm ITS quốc gia), hỗ trợ hoàn thiện, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn về bảo dưỡng các thiết bị quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc.
Theo Bộ trưởng Thắng, sắp tới, lĩnh vực đường sắt sẽ triển khai nhiều dự án. Bộ GTVT đã có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các dự án này.
"Bộ GTVT mong muốn nhận được sự hỗ trợ của WB để đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực", - ông Thắng bày tỏ.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng họp bàn, chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiến triển các dự án có vốn vay của WB như dự án kết nối khu vực Mekong có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như dự án nâng cấp quốc lộ 53, quốc lộ 62 và quốc lộ 91B, dự án Hành lang Giao thông vùng bền vững…
Việt Nam cần lo chuyện giải phóng mặt bằng
Trước các đề xuất của phía Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT, bà Carolyn Turk khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng nghiên cứu, hỗ trợ các dự án hạ tầng, đồng thời, đề nghị hai bên cần làm việc cụ thể để xác định phạm vi hợp tác tổng thể, khung thời hạn tổng thể.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk
© Ảnh : Cổng thông tin Bộ GTVT
Bà Turk đề nghị Bộ Giao thông vận tải tích cực phối hợp, xúc tiến để các dự án đảm bảo tiến độ kế hoạch.
Phía WB đặc biệt lưu ý Việt Nam về vấn đề giải phóng mặt bằng và cho đây là việc cần được xem xét ngay từ đầu để sau này không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Lãnh đạo WB cũng chia sẻ các kinh nghiệm giải pháp về cơ chế vốn vay, hỗ trợ, nguồn vốn cho các dự án kỹ thuật.
Bà Carolyn Turk khẳng định, WB sẵn sàng tìm các nguồn hỗ trợ khác ngoài vốn vay để hỗ trợ Bộ GTVT trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa, số hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, vận hành hiệu quả các dự án hạ tầng sau đầu tư.
Như Sputnik đã thông tin, đến nay, WB đang là một trong những chủ nợ "lớn nhất" của Việt Nam.
Theo cập nhật mới nhất tại bản tin nợ công số 16 của Bộ Tài chính, tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới WB đứng đầu danh sách chủ nợ của Việt Nam với trên 354.000 tỷ đồng.