OceanBank, GPBank, CBBank, SCB: Ngân hàng Nhà nước tránh rủi ro đổ vỡ

Các doanh nghiệp hãy tin tưởng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá ở mức ổn định. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép. NHNN sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng.
Sputnik
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thị trường phải chấp nhận tỷ giá lên xuống, bởi nếu cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường.
Lãi suất luôn là bài toán khó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt. Doanh nghiệp nói thiếu vốn, ngân hàng nói thừa vốn. Rất khó giải quyết được tình trạng này ngay lập tức.

Vất vả những tháng đầu năm

Ngày 20/10/2023, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, theo cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước.
Đồng chủ trì là Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà.
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thống đốc bày tỏ, nền kinh tế của Việt Nam chưa lớn nhưng độ mở lại rất lớn, nên những tác động khách quan từ bên ngoài khiến chúng ta gặp khó khăn trong cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên vật liệu. Nhiều doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, không bán được hàng dẫn đến tồn kho gia tăng.
"Chưa có năm nào sự vật lộn với những khó khăn đó của chúng ta lại vất vả như những tháng đầu năm nay", - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Do đó, trước hết, theo đại diện NHNN, cần tạo sự ổn định để đảm bảo đời sống của người dân, sau đó là ổn định sản xuất để đảm bảo tăng trưởng, tạo công ăn việc làm.
Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, Chính phủ và các bộ, ngành vừa phải giải quyết những khó khăn cũ, vừa phải giải quyết những khó khăn mới.
Dù vậy, các doanh nghiệp đã có sự vươn lên mạnh mẽ, khả năng thích ứng linh hoạt để có thể chống chịu được trước những khó khăn, đó cũng là động lực để phát triển kinh tế.
Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

Nếu ngân hàng cho vay ồ ạt sẽ dẫn đến đổ vỡ ngân hàng

Đối với thực trạng hiện nay doanh nghiệp nói thiếu vốn, nhưng ngân hàng thừa tiền, Phó Thống đốc cho rằng, không thể giải quyết được tình trạng này ngay lập tức.
Đây là câu chuyện thị trường, nhưng nếu để thành trào lưu thì lại là câu chuyện của chính sách.
Ngược lại, nếu ngân hàng cho vay ồ ạt sẽ dẫn đến đổ vỡ ngân hàng. Một số ngân hàng hoạt động không đảm bảo an toàn trong quá khứ như OceanBank, GPBank, CBBank, gần đây là SCB đều là hệ quả của việc hoạt động không đảm bảo an toàn, theo Vietnamnet dẫn lời đại diện NHNN cho biết.
"Việc một số ngân hàng bị rơi vào tình trạng giám sát đặc biệt thời gian qua chính là bài học cho thấy luôn phải nâng cao công tác quản trị rủi ro trong quá trình cho vay", - TTXVN/Vietnam+ dẫn phát biểu của Phó Thống đốc cho hay.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém là CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank.
Có 4 ngân hàng thương mại cổ phần theo kế hoạch sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.
Trong báo cáo gửi Quốc Hội, NHNN cũng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của hai ngân hàng mua bắt buộc.
NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước cũng tìm nhà đầu tư để tái cơ cấu lại SCB theo chỉ đạo của Chính phủ.
4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước có tuyên bố mới

Hãy tin tưởng vào Ngân hàng Nhà nước

Phát biểu về định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.
"Hiện nay, giá vàng và giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao lúc thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng", - Phó Thống đốc khẳng định.
Theo ông Đào Minh Tú, hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực. Đây là những cơ sở để ổn định tỷ giá.
Theo Phó Thống đốc, mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, nhưng thị trường phải chấp nhận cho lên xuống.
"Nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá", - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

NHNN đã điều hành chủ động

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc cho biết, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm kiên quyết
NHNN cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, kịp thời ban hành/trình ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng.
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 2 Hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.
Trong khi đó, về phía NHNN, đã tổ chức 14 Hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 Hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.
Đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nền kinh tế.
Thảo luận