Sau hơn 100 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tìm thấy 13 nạn nhân mất tích sau hại vụ chìm tàu câu mực gần Trường Sa. Lực lượng tìm kiếm tại hiện trường nhận định, khả năng cao là không tìm thấy.
Đề xuất tìm kiếm quy mô thêm một ngày
Sáng 21/10, tại cuộc họp với chính quyền huyện Núi Thành, lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người thân 13 ngư dân mất tích tại Sở Chỉ huy tiền phương ở Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đề xuất tìm kiếm quy mô 13 ngư dân mất tích hết ngày 22/10. Sau thời gian này, chỉ tàu cảnh sát biển, hải quân kết hợp làm nhiệm vụ thực hiện.
Sau khi tàu hải quân đưa 78 ngư dân sống sót trở về chiều 20/10, tại hiện trường còn 4 tàu của Bộ Quốc phòng tìm kiếm người mất tích. So với 4 ngày trước, phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng 60-70 hải lý ở khu vực hai tàu cá gặp nạn.
Điều động tàu Hải quân tìm kiếm, cứu nạn ngư dân trên biển
© TTXVN - Phan Thị Sáu
Các tàu tìm kiếm có báo cáo về Sở Chỉ huy tiền phương cho biết, sáng nay thời tiết và tầm nhìn thuận lợi, camera trên tàu dễ dàng quan sát phạm vi rộng. Tuy nhiên, những ngày tới thời tiết biển sẽ xấu hơn do gió mùa đông bắc.
"Hiện nay thời tiết gió cấp 4, sóng cấp 3 có xu hướng sóng mạnh. Hiện tại lực lượng vẫn đang triển khai tìm kiếm nhưng khả năng cao là không tìm kiếm được nữa", - lực lượng tìm kiếm tại hiện trường báo cáo.
Lực lượng cứu nạn đánh giá, hiện đã không còn khả năng tìm kiếm quy mô, thay vào đó sẽ thông tin tới tàu qua lại khu vực và nước ngoài, hy vọng phát hiện người mất tích.
Về phương án này, Phó Chủ tịch huyện Núi Thành Ngô Đức An đề nghị lực lượng chức chức năng tiếp tục tìm kiếm quy mô thêm một ngày.
Quảng Nam thành lập Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp để tìm kiếm 15 người mất tích của tàu câu mực bị chìm trên vùng biển
© TTXVN - Trịnh Thị Thu Hà
Chị Đặng Thị Ngọc Huyền, em gái của ngư dân mất tích Đặng Minh Vương, chia sẻ đã không còn hy vọng các nạn nhân sống sót trở về. Tuy nhiên, chị mong các tàu trong khu vực và nước ngoài tìm thấy và đưa thi thể người thân về đất liền.
Sau cuộc họp, đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, cho biết đã đề nghị UBND tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm quy mô đến hết ngày 22/10.
"Những ngày tiếp theo, tàu cảnh sát biển, hải quân làm nhiệm vụ kết hợp tìm kiếm. Các tàu này quan sát, thông báo cho tàu hàng, tàu cá qua lại để phát hiện nạn nhân mất tích", - báo Vnexpress dẫn lời đại tá Hiền.
Chuyến đi biển định mệnh của nhiều ngư dân
Trước đó, khoảng 19h30 ngày 16/10, tàu do ông Lương Văn Viên, 47 tuổi, ở huyện Núi Thành, làm thuyền trưởng cùng 53 ngư dân đang câu mực cách đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 70 hải lý, thì bị lốc xoáy nhấn chìm. Tàu cá gần đó ứng cứu được 40 ngư dân, vớt được 2 thi thể, còn lại 12 người mất tích.
Đến 1h ngày 17/19, tàu câu mực do ông Trần Công Trường, 42 tuổi, làm thuyền trưởng cùng 38 ngư dân bị sóng đánh chìm tại vị trí cách đảo Song Tử Tây 135 hải lý. Tàu cá gần đó tham gia cứu hộ được 38 người, còn ông Nguyễn Duy Định, 63 tuổi, mất tích.
Điều động tàu Hải quân tìm kiếm, cứu nạn ngư dân trên biển
© TTXVN - Trịnh Bang Nhiệm
Tàu câu mực chìm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, nơi có mực nước sâu hàng nghìn mét, khiến việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Bốn ngày qua, lúc cao điểm có khoảng 20 tàu cá của ngư dân, 4 tàu của Hải quân và Kiểm ngư tham gia cứu nạn cứu hộ, nhưng chỉ thấy phao, ngư lưới cụ, áo quần, chăn màn, không thấy tung tích nạn nhân.
Chuyến câu mực thứ tư trong năm, dự kiến kéo dài 2 tháng rưỡi để ngư dân có tiền sắm Tết, đã trở thành chuyến đi biển cuối cùng của nhiều người, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và bạn tàu. Các ngư dân và người thân mong muốn nhà chức trách tiếp tục tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích.