Ông Bauer cũng kêu gọi rằng khối liên minh cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với cuộc xung đột trong khu vực.
NATO lo ngại về những mục đích của Trung Quốc ở Bắc Cực, bởi Bắc Kinh đang hợp tác ngày càng mật thiết với Matxcơva và rất nhiều tàu Trung Quốc đang đi theo Tuyến đường biển phương Bắc, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của khối liên minh tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg ở Reykjavik. Theo lời ông, khối liên minh lo lắng rằng quan tâm thương mại và khoa học của đất nước có thể là dấu hiệu báo trước hiện diện quân sự tương lai của Trung Quốc ở vùng Bắc Cực.
Bauer lưu ý rằng có các nhà khoa học quân sự hiện diện trên các tàu Trung Quốc di chuyển theo Tuyến đường biển phương Bắc, còn bản thân Bắc Kinh chưa bao giờ loại trừ khả năng hiện diện của mình ở Bắc Cực. Đô đốc NATO chỉ ra thực tế hợp tác ngày càng tăng của Nga-Trung, kể cả trong lĩnh vực năng lượng và hậu cần, đồng thời ông kêu gọi NATO chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cuộc xung đột trong khu vực.
Trước đó, tham gia Hội nghị Vòng Cực Bắc ở Reykjavik, ông Bauer cũng bày tỏ sự lo ngại về đà gia tăng củng cố liên hệ Nga-Trung. Theo lời Bauer, trong khi ý định của Nga ở Bắc Cực là rất rõ, thì “dự định của Trung Quốc đối với khu vực này vẫn chưa minh bạch”.
“Chúng ta không thể ngây thơ và mong đợi rằng những tuyến đường mới này sẽ chỉ được các tàu thương mại sử dụng”, - Đô đốc cảnh báo.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Cao Phong đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Bắc Cực không trực tiếp đề cập đến tuyên bố của Bauer, nhưng cảnh báo rằng căng thẳng ở Bắc Cực sẽ không chỉ gây phức tạp thêm cho quan hệ hợp tác mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu.
“Trung Quốc và các nước châu Á khác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, nghiên cứu, phát triển và quản lý Bắc Cực”, - ông Cao Phong nói thêm.
Đô đốc Bauer cũng cảnh báo rằng Nga đang rót kinh phí đáng kể vào các căn cứ không quân ở Bắc Cực và cơ sở hạ tầng khác. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO lưu ý rằng khối liên minh Bắc Đại Tây Dương phải chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm ẩn trong khu vực, có tính đến khả năng của Nga. Tuy nhiên, NATO không mấy lo ngại rằng Bắc Cực sẽ “lập tức” trở thành điểm nóng.