Mới đây, nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Ả-rập Xê-út, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Lào Sonexay Siphandone thống nhất sẽ giải quyết dứt điểm một số tồn đọng và triển khai dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3; đường sắt Đông - Tây…
Về tầm quan trọng của các dự án chung Việt-Lào TS quan hệ kinh tế quốc tế Lê Hòa đã có một số đánh giá và bình luận trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Mối quan hệ đặc biệt đang được hiện thực hóa bằng những dự án chung mang tính chiến lược
Sputnik: Thưa TS Lê Hòa, ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt – Lào hiện nay nói chung và những dự án giao thông – cảng biển chung của hai nước?
TS Lê Hòa, chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế:
Lãnh đạo Việt Nam và Lào luôn khẳng định, hai nước không chỉ là láng giềng mà còn là “anh em, đồng chí” với mối quan hệ đặc biệt. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho rằng quan hệ song phương là vô giá và có một không hai, còn lãnh đạo Lào thì tin tưởng vào sự đoàn kết toàn diện của hai nước.
Quan hệ hữu nghị cũng góp phần vào sự phát triển tích cực của quan hệ thương mại và kinh tế. Tính đến cuối năm 2022, kim ngạch thương mại Việt-Lào vượt 1,6 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2021. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan). Việt Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu là điện, vàng, giấy và nhập khẩu là thép, kết cấu kim loại và sản phẩm kỹ thuật.
Năm 2021, các nhà đầu tư từ Việt Nam cũng tăng khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Lào lên 1/3 và trong 5-6 năm qua đã họ nộp hơn 1 tỷ USD tiền thuế cho ngân sách Lào. Lãnh đạo Lào cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam không chỉ làm tốt công việc kinh doanh, nghĩa vụ thuế, mà còn thể hiện là những nhà đầu tư rất có trách nhiệm, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, công tác an sinh xã hội.
Quan hệ Việt-Lào có lịch sử 60 năm, ngày 18/07/1977 hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước này cũng đề cập tới khả năng cung cấp hỗ trợ quân sự nếu cần thiết. Viêng Chăn là đồng minh quân sự chính thức duy nhất của Hà Nội. Theo quan điểm của lãnh đạo Việt Nam, Lào tiếp giáp với khu vực dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam là miền Trung, có nơi chỉ rộng 40,3 km (tỉnh Quảng Bình), tính từ phía Tây. Mối nguy hiểm chính đối với Việt Nam trong lĩnh vực phòng thủ chính là khả năng đất nước có thể bị chia cắt thành hai phần trong trường hợp kẻ thù có thể đổ bộ từ biển. Trong tình huống như vậy, các hành động phản công được lên kế hoạch thực hiện từ lãnh thổ của đồng minh là Lào. Vì thế, với Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với Lào nói chung và thực hiện những dự án chung nói riêng là vô cùng quan trọng. Và các dự án hạ tầng giao thông, cảng biển chung như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3; đường sắt Đông - Tây… không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế.
Số lượng các dự án chung đang dần tăng lên
Sputnik: Những dự án hợp tác chung nào giữa hai nước là đáng chú ý nhất?
TS Lê Hòa, chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế:
Trước hết, đó là những dự án thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải, xây dựng. Hai bên đã phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm gồm Tuyến đường cao tốc nối Hà Nội-Viêng Chăn, Tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Thà Kẹt-Viêng Chăn…
Hai bên cũng đang tiếp tục thúc đẩy triển khai Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam-Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3 ký ngày 5/2/2018. Phía Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam.
Kết quả đáng ghi nhận nhất trong hợp tác giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm 2023 là Dự án Xây dựng sân bay Nọng-khảng, tỉnh Hủa-phăn đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 15/5/2023.
Số lượng các dự án chung đang dần tăng lên. Trong đó đáng chú ý nhất là đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn và tuyến đường sắt cảng Viêng Chăn-Vũng Áng. Những dự án chung này có tác động tích cực đến sự phát triển quan hệ song phương cũng như giải quyết việc làm cho người dân địa phương hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Bất chấp mọi cản trở, quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt - Lào đi vào chiều sâu
Sputnik: Theo đánh giá của ông, những dự án chung giữa Việt Nam và Lào gặp những trở ngại, khó khăn gì và triển vọng của chúng như thế nào?
TS Lê Hòa, chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế:
Việc triển khai các dự án giao thông và cảng chung diễn ra tích cực, nhưng thực sự cũng gặp nhiều khó khăn, trước hết là vấn đề tài chính, nguồn vốn, và cả yếu tố cạnh tranh.
Chúng ta phải nhìn vào hiện thực nền kinh tế Lào hiện nay để hiểu những vướng mắc và trở ngại đang có và có thể. Hiện nay, đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 20 năm qua. Lạm phát năm 2022 lên tới 23,6%, đây là mức kỷ lục trong 22 năm qua. Giá nhiên liệu tăng gấp đôi so với năm 2021. Tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia - kip - đã giảm từ 9.300 đổi một đô la Mỹ vào tháng 6/2021 xuống 17.300 vào tháng 12/2022. Lào chỉ có 1,2 tỷ USD dự trữ, điều này làm tăng nguy cơ vỡ nợ, vì Viêng Chăn sẽ buộc phải trả nợ nước ngoài 1,3 tỷ USD hàng năm trong vòng 4 năm tới và tổng số nợ đã vượt quá 14,5 tỷ USD. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là tăng trưởng bền vững, xanh và bao trùm, hiện đại hóa.. Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, Lào sẽ có thể thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất không sớm hơn năm 2026, với điều kiện tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, không thể mong đợi sự hỗ trợ đáng kể từ các nhà tài trợ lớn như Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Úc - tất cả họ đều đang tập trung vào việc đảm bảo an ninh của chính mình. Hiện nay, giới lãnh đạo Lào đang dựa vào các đối tác khác mà đã hợp tác tích cực trong những năm gần đây, đó là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Nga.
Theo tôi, lãnh đạo Việt Nam khá cảnh giác và thận trọng với việc mở rộng Sáng kiến “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Lào – quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Trong khi đó, giới chính trị và doanh nghiệp Viêng Chăn lại nhìn thấy những cơ hội đáng kể trong hợp tác với các đối tác từ Trung Quốc để nhanh chóng cải thiện tình hình kinh tế đất nước. Hiện nay, với Lào, sự sống còn về kinh tế quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề an ninh quân sự, đặc biệt khi Bắc Kinh không thể hiện bất kỳ ý định gây hấn nào. Mà Bắc Kinh thì có nguồn lực tài chính rất mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Bất chấp mọi cản trở, cả Việt Nam cả Lào đều khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt - Lào đi vào chiều sâu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này thì hai nước đang phát huy hiệu quả nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, tiếp tục triển khai những dự án mới và nỗ lực giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện những dự án chung. Như chúng ta đã thấy, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Ả-rập Xê-út vừa qua, Thủ tướng Việt Nam và người đồng cấp Lào đã khẳng định quyết tâm tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm một số tồn đọng. Hai thủ tướng cũng đốc thúc triển khai các dự án trọng điểm bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3; các dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt Đông - Tây…