Đồng Nai xin Thủ tướng thực hiện đầu tư sân bay Biên Hòa

Tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất được giao thực hiện đầu tư dự án sân bay Biên Hòa.
Sputnik
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng Nai muốn được thực hiện đầu tư sân bay Biên Hòa

Theo báo Thanh Niên, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc giao tỉnh Đồng Nai thực hiện đầu tư dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.
Theo nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 24-NQTW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị, giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E.
Trước đó, hồi đầu tháng 6-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) được quy hoạch khai thác lưỡng dụng.
Trong văn bản kiến nghị trình Thủ tướng, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh này.
Vụ Tín Nghĩa ở Đồng Nai: Khởi tố vụ án, điều tra sai phạm trong cổ phần hóa
Nhằm sớm đưa vào khai thác hàng không dân dụng tại sân bay Biên Hòa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao cho Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.
Tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác triển khai các sân bay Thành Sơn và Biên Hòa để có cơ sở xem xét việc chuyển các sân bay quân sự này thành các sân bay lưỡng dụng.
Đến tháng 2/2023, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng

Thông tin trên báo Đồng Nai cho hay, sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 - 2030, công suất 5 triệu khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 công suất 10 triệu khách/năm.
Sân bay Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, cách TP.HCM khoảng 30km. Các chuyên gia đánh giá, sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả 2 sân bay cùng hoạt động.
Cần điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến sân bay Long Thành
Hiện nay, sân bay Biên Hòa đang được giao cho Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng) quản lý sử dụng.
UBND tỉnh Đồng Nai trước đó cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở GTVT, UBND TP.Biên Hòa, UBND H.Vĩnh Cửu cùng các đơn vị liên quan làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 370, Trung đoàn 935 (đóng tại sân bay Biên Hòa) để xác định ranh giới, diện tích, hiện trạng khu đất để bàn giao cho địa phương nhằm nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng.
Thông tin tại cuộc họp với bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai hôm 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, sau khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã làm việc với Trung đoàn 935. Tuy nhiên, khu đất của sân bay Biên Hòa thuộc phạm vi đất quốc phòng nên Trung đoàn 935 đề nghị tỉnh Đồng Nai có kế hoạch cụ thể để hai bên làm việc, bàn bạc chi tiết hơn.
Quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ký văn bản về việc xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khai thác sân bay Biên Hòa.

Tăng kết nối cho sân bay Biên Hoà

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai Nguyễn Bôn chia sẻ trên báo Đồng Nai, để sân bay Biên Hòa đáp ứng công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm trong thời kỳ 2021-2030, Sở GT-VT đã nghiên cứu các hướng kết nối giao thông đến sân bay Biên Hòa để cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
Theo ông, cần mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường tại TP.Biên Hòa như: mở rộng đường Nguyễn Du; nâng cấp các tuyến đường Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu; kéo dài tuyến đường tỉnh 768B kết nối đến cầu Thạnh Hội 2.
Tiến độ sân bay Long Thành rất chậm
Để tăng cường kết nối sân bay Biên Hòa với tỉnh Bình Dương, dự kiến sẽ mở rộng tuyến đường tỉnh 768, đoạn từ cuối đường Nguyễn Du đến cầu Tân Triều (hương lộ 7) và kéo dài thêm khoảng 3,6km từ giao lộ với hương lộ 7 đến đường vành đai TP.Biên Hòa gần cầu Bạch Bằng.
Ngoài ra, trong phương án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, có khoảng 50ha đất khu vực sân bay sẽ được bàn giao cho tỉnh Đồng Nai xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ khai thác lưỡng dụng.

“Hiện các cơ quan chức năng trong tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng sân bay Biên Hòa phục vụ khai thác lưỡng dụng quân sự và dân dụng”, báo Đồng Nai cho biết.

Hiện nay, sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn 2 đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay…
Để khai thác lưỡng dụng, sân bay này chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… để tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.
Thảo luận