Trong khi thị trường thế giới chưa cung cấp chip 5G thương mại, việc Viettel thành công nghiên cứu chip 5G là cột mốc quan trọng để Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Viettel ra mắt chip 5G DFE
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc) từ 28/10 đến 1/11, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đã công bố nghiên cứu thành công chip 5G và trợ lý ảo AI.
Báo Vnexpress dẫn thông tin cho biết, dòng chip 5G DFE thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G, do đội ngũ kỹ sư của Viettel hoàn toàn làm chủ thiết kế. Con chip được xem là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (khối thu/chuyển tín hiệu), cũng như giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.
Theo báo PLO, con chip 5G DFE của Viettel có mức độ phức tạp tương đương chip Apple A7, sở hữu năng lực tính toán lên tới 1.000 tỉ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.
Phía Viettel thông tin, việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, khi mà thị trường thế giới chưa cung cấp sản phẩm chip 5G thương mại.
"Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai", báo Vnexpress dẫn lời đại diện Viettel.
Tại triển lãm, khách tham quan có thể trải nghiệm, tìm hiểu về hệ thống mạng 5G do Viettel xây dựng. Hệ thống hoạt động đồng bộ, tự chủ hoàn toàn về công nghệ, góp phần đảm bảo an ninh an toàn thông tin cho Việt Nam.
Viettel đã áp dụng trong các thiết bị 5G nhiều công nghệ mới, đạt các tiêu chuẩn của thế giới. Thiết bị hiện được sử dụng tại 11 thị trường Viettel đầu tư với gần 200 triệu thuê bao, sẵn sàng hướng tới việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Với công nghệ 5G, Viettel mang tới triển lãm chip 5G, thiết bị thu phát 5G gNodeB (8T8R, 32T32R), trạm thu phát 5G gNodeB, thiết bị truyền dẫn Site Router 100G, khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần 5G.
Theo báo SGGP, Viettel là đại diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G vào năm 2019. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị.
Trợ lý ảo AI do Viettel phát triển có gì đặc biệt?
Trong khuôn khổ sự kiện, Viettel còn trình diễn 2 sản phẩm tiêu biểu trong hệ sinh thái AI của doanh nghiệp là trợ lý ảo pháp luật đang được sử dụng trong ngành tòa án và giải pháp hỗ trợ chăm sóc khách hàng tự động - Viettel AI video KYC.
Theo đó, trợ lý ảo pháp luật có hệ thống tri thức pháp luật lớn, đáng tin cậy, được thiết kế riêng cho người Việt. Công cụ có thể xử lý lên đến 2.000 yêu cầu cùng lúc, có khả năng tăng năng suất lên đến 10.000 lần, qua đó giúp cắt giảm tối đa nhân sự và thời gian triển khai, giải đáp ngay lập tức 24/7 cho người dân và khách hàng.
Trong khi đó, Viettel AI video KYC thuộc dự án AI Human, hỗ trợ xác minh khách hàng, giao tiếp bằng giọng nói và xử lý hình ảnh tự động. Với sản phẩm này, doanh nghiệp có thể tiết kiệm gần 60 tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ duyệt đơn hàng trên bot ước đạt 90%, cho phép xử lý hàng trăm nghìn cuộc gọi video call mỗi tháng, hoạt động suốt 24/7.
Viettel được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong về hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đang sở hữu 116 bằng độc quyền sáng chế trong nước, 29 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ.