Phát biểu khai mạc, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để chạy nước rút hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó sẽ có nội dung liên quan đến sơ kết quyết định của UBND thành phố về công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn.
Đây cũng là điểm nghẽn thời gian qua, cần sơ kết kịp thời để xác định giải pháp cho thời gian tới.
Ông Phan Văn Mãi thông tin Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã cho ý kiến về quy chế làm việc. Trong đó, TP cần quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ UBND TP, Thường trực UBND TP đến các thành viên UBND, các sở, ngành và cấp quận, huyện, TP Thủ Đức.
Chính quyền TP cũng sẽ xây dựng các quy trình điện tử và cần được áp dụng mạnh mẽ hơn trong giải quyết công việc. Đây là cơ sở để giám sát quá trình giải quyết thủ tục, là cơ sở xử lý trách nhiệm hành chính của các cơ quan.
Một nội dung khác trong phiên họp là UBND TP.HCM sẽ xin ý kiến từ các đơn vị góp ý cho chủ đề năm 2024. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, chủ đề năm 2024 của thành phố không nên ôm đồm quá nhiều mà cần tập trung ở khâu thực hiện.
Cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Mặt khác, năm 2024 cũng là năm nước rút của TP.HCM để chuẩn bị để về đích cuối nhiệm kỳ.
"Thời gian tới, chúng ta cần tập trung cao độ, triển khai một đợt thi đua cao điểm 60 ngày đêm để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Ít nhất, thành phố cần hoàn thành với kết quả cao nhất", Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2023, thành phố duy trì đà tăng trưởng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp và sức mua trong nước, đảm bảo cung cầu hàng hóa, duy trì ổn định hoạt động ngân hàng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%.Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 372.708,110 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 63.894,241 tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, tăng 55,16% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 3.386.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 92,2% tổng nguồn vốn huy động.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế, các cuộc xung đột của thế giới vẫn diễn ra phức tạp, khó đoán định đã có những tác động đến TPHCM. Thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiếp tục có nhiều rủi ro.
Các doanh nghiệp thành lập mới tại TPHCM trong 10 tháng vẫn khả quan, tuy nhiên, số liệu này vẫn giảm so với cùng kỳ. Thành phố cũng có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được trong 10 tháng giảm hơn 32% cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm giảm 13,4% so với cùng kỳ.
Công tác giải ngân đầu tư công của TPHCM đứng thứ 3 trên 114 tỉnh, thành, bộ, ngành. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của thành phố mới đạt 35%, còn xa so với kế hoạch giải ngân của năm 2023.