Việt Nam có thể sản xuất chip bán dẫn chuyên biệt

Lãnh đạo Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, Việt Nam có thể tập trung phát triển dòng chip chuyên biệt để phù hợp thực tế, thay vì chạy đua theo những dòng chip cao cấp, tiên tiến nhất thế giới.
Sputnik
Bán Vnexpess dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT cho biết thêm, để đáp ứng đủ nguồn nhân lực, Việt Nam dự kiến phát triển nhân lực từ đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử có sẵn, chứ không chỉ mỗi đào tạo mới.

Chuyên gia: Làm chip chuyên biệt thay vì chạy theo chip cao cấp

Chiều 29/10, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Hà Nội, các chuyên gia và cơ quan chuyên môn đã thảo luận về hướng tiếp cận ngành chip bán dẫn của Việt Nam.
Báo Vnexpress dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Công nghiệp ICT - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam có thể tập trung làm chip chuyên biệt, thay vì chạy đua với những dòng chip cao cấp và tiên tiến nhất thế giới. Ông Nghĩa đồng thời cũng là người tham gia và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Theo ông, khi định luật Moore tới hạn, nghĩa là khả năng nâng cao hiệu năng của chip theo chu kỳ 2 năm ngày càng khó, thị trường sẽ cần đến những dòng chip chuyên biệt cho từng ứng dụng.
“Trong bối cảnh phát triển bùng nổ IoT, nhu cầu về chip chuyên biệt phục vụ IoT sẽ ngày càng lớn lớn”, Vnexpress dẫn lời ông Nghĩa.
Viettel nghiên cứu thành công chip 5G có độ phức tạp tương đương chip Apple A7
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp ICT, đây cũng là thế mạnh của nhân sự làm chip Việt Nam. Ngoài ra, ông Nghĩa cho hay, Việt Nam dự kiến phát triển song hành, tức vừa thu hút doanh nghiệp FDI, vừa nâng cao năng lực trong nước.
“Chúng ta chưa nhất thiết phải có sản phẩm ngay, mà có thể đồng hành, tham gia hệ sinh thái của các công ty lớn, đồng thời tập trung vào phân khúc tầm thấp và tầm trung, nơi chúng ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất về giá”, ông Nghĩa nói.
Dẫn chứng nhiều doanh nghiệp chuyên về khâu thiết kế, kiểm thử và đóng gói chip vừa vào Việt Nam, ông Nghĩa nhận định hệ sinh thái bán dẫn trong nước đã dần thành hình. Đây là cơ hội để Việt Nam làm ra các sản phẩm nội địa sau này.

Phát triển đội ngũ từ lực lượng kỹ sư có sẵn

Một trong những thách thức trong việc phát triển ngành chip tại Việt Nam là vấn đề nhân lực. Ngoài đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, Việt Nam còn dự định "upskill" nguồn nhân lực hiện tại, nghĩa là trang bị thêm kỹ năng chuyên môn, biến những kỹ sư CNTT, điện tử thành kỹ sư chip bán dẫn.
“Nếu cứ đào tạo tuần tự bốn năm có một lứa kỹ sư sẽ không đáp ứng được cung cầu. Trong khi đó, Việt Nam có đội ngũ 350.000 kỹ sư CNTT và điện tử, nếu đào tạo họ để làm được việc ngay, chúng ta sẽ đi khá nhanh”, ông Nghĩa phân tích.
Tán thành ý kiến này, ông Changwook Kim, đại diện tập đoàn tư vấn Boston (BCG) tại Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam nên chọn hướng đi riêng và theo đuổi trong dài hạn.
Trước đây, các công ty chip có xu hướng chuyển dịch từ châu Mỹ sang châu Á vì nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, điều này hiện đã không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Nhiều công ty lớn bắt đầu quan tâm đến các yếu tố khác như năng lực công nghệ, nguồn cung ứng, cơ sở hạ tầng, logistics, hỗ trợ của chính phủ.
Chẳng hạn, Nhật Bản tập trung phát triển ngành vật liệu nhằm thu hút các công ty lớn, gồm cả TSMC. Trong khi đó, dù có nguồn nhân công dồi dào, Ấn Độ lại không có thế mạnh ở mảng bộ nhớ nên thất bại trong việc mời gọi Samsung.
Từ thực tế trên, ông Kim đề nghị Việt Nam cần hiểu rõ về ngành công nghiệp này cũng như hiểu được các đối tác mà mình muốn hướng đến, từ đó đưa ra chiến lược thu hút phù hợp.
Đại diện Boston cho rằng, ngành chip là cuộc chơi lâu dài, nên cần nhìn nhận, nắm bắt các xu hướng trong tương lai. Ông gợi ý Việt Nam có thể lựa chọn hướng đi như chip bán dẫn trong ôtô, chip cho AI, đóng gói 2.xD, chip dùng kiến trúc mã nguồn mở RISC-V.
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ John Neuffer đề xuất Việt Nam hiện thực hóa đề án về phát triển nhân lực, vì toàn bộ ngành chip bán dẫn đang rất thiếu nhân tài.
Việt Nam – từ nước nhập khẩu sang xuất khẩu chip
Thêm nữa, do đây là ngành có quy mô toàn cầu, nên để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tạo những điều kiện thuận lợi về thủ tục, thông quan, thuế quan, mở rộng các thỏa thuận đầu tư và hỗ trợ công nghệ.
Theo ông, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi ngành chip bước vào giai đoạn tái cân bằng chuỗi cung ứng. Những hành động kể trên trên sẽ giúp gửi tín hiệu Việt Nam ra thế giới.
“Cánh cửa cơ hội sẽ không mở ra mãi, vì vậy cần tranh thủ cơ hội này”, ông John Neuffer nói.

Những lợi thế của Việt Nam

Mới nhất, Bộ KH&ĐT đã tiến hành Lễ ra mắt Mạng lưới đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Đây là bước khởi đầu quan trọng với mong muốn đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thế giới.

Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”, cổng thông tin Chính phủ dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu bật 5 lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn.
Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, chính phủ quan tâm thúc đẩy hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Ngoài ra, còn có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín và các doanh nghiệp lớn sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn.
Thứ ba, Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, với việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nội dung hợp tác.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có nhiều buổi làm việc với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) và nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu.
Thứ tư, Việt Nam đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho công ty, tập đoàn ngành bán dẫn.

Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Thứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và có 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để đón nhà đầu tư với cơ chế ưu đãi cao. Ông Dũng cho rằng, đây là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Thảo luận