Cùng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và không đe doạ đến các nền kinh tế phương Tây, tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Việt Nam được miêu tả là “không có đối thủ” với vị thế địa chính trị ngày càng được nâng cao.
Cùng với đó, theo phân tích trên Asia Times, Việt Nam có thể vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Đài Loan, Đức.
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành con hổ châu Á mới
Việt Nam được đánh giá nhiều khả năng có thể sẽ trở thành con hổ châu Á tiếp theo.
Theo Asia Times, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Hoa Kỳ tính theo giá trị nhập khẩu vào năm 2022.
Bước nhảy vọt này thể hiện cột mốc quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Cần lưu ý, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ đã không còn là hàng dệt may mà là các sản phẩm công nghệ cao.
Đến cuối năm 2023, nhiều sản phẩm chủ lực của Apple sẽ được lắp ráp tại Việt Nam.
“Thay vì cạnh tranh danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, Việt Nam tự nâng cao vị thế của mình vươn lên trở thành điểm đến sản xuất bổ sung cho Trung Quốc trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng toàn cầu”, - Asia Times dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Long Le từ Trường Kinh doanh Leavey thuộc Đại học Santa Clara nhấn mạnh.
Thông qua đó, Việt Nam hiện đã chiếm lĩnh một số thị phần xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc và được nhìn nhận là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.
“Việt Nam duy trì môi trường “trung lập” rất cần thiết để các công ty fintech (công nghệ tài chính) nước ngoài giảm thiểu rủi ro và định hướng lại khả năng mở rộng trước thế cạnh tranh quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc”, - ấn phẩm lưu ý.
Điều này thể hiện ở việc Apple chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hay khoản đầu tư 1,6 tỷ USD của Amkor Technology, công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẵn sàng chào đón sự trở lại của Huawei bất chấp các biện pháp hạn chế từ Mỹ nhằm vào công ty Trung Quốc này.
Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam không đe doạ phương Tây
Asia Times cho biết, Việt Nam có tiềm năng trở thành nước xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Đài Loan và Đức.
Mặc dù Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 7 nhưng Asia Times lưu ý, tốc độ tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này là “gần như không có đối thủ” - hàng hóa công nghệ cao chiếm tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam đạt 42% vào năm 2020, tăng từ con số 13% vào năm 2010.
Theo một số khía cạnh, Việt Nam đang theo sát Trung Quốc trong nỗ lực trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, Asia Times lưu ý, không giống như Trung Quốc, nền kinh tế thị trường của Việt Nam gần như không đe dọa đến các nền kinh tế phương Tây và châu Á.
“Thông qua chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ Việt Nam có thể ngăn ngừa từ xa và phát triển trong môi trường địa chính trị an toàn như ngày nay. Mô hình kinh tế của Việt Nam thực sự phù hợp với tăng trưởng kinh tế theo định hướng thị trường”, - ấn phẩm khẳng định.
Dù vậy, sự gia tăng nhanh chóng trong xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam vẫn chưa đủ để đẩy nhanh tốc độ gia nhập nhóm các nền kinh tế “con hổ châu Á”.
Trong những thập kỷ trước, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đã gia nhập nhóm này bằng cách chuyển từ sản xuất công nghệ thấp sang công nghệ cao, tiên tiến.
Có thể sẽ mất khoảng 15 năm để GDP bình quân đầu người của Việt Nam, hiện là 4.320 USD vào năm 2023, ngang bằng với GDP bình quân đầu người năm 2023 của Trung Quốc là 12.540 USD.
Trong khi Apple hướng các nhà cung ứng của mình đầu tư, sản xuất, lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam, thì vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội nâng cao giá trị gia tăng và chứng kiến các công ty Việt Nam dần trở thành nhà cung cấp điển hình cho Apple hay không.
Lẽ dĩ nhiên, việc này dường như khó có thể xảy ra trong ngắn hạn, vì tất cả các nhà cung cấp của Apple đều là công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc hoặc Đài Loan chuyển đến Việt Nam.
Trong khi xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, hiện vẫn có sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư của nước ngoài, với khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam do các công ty nước ngoài chi phối và nắm giữ.
Tiềm năng tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các con hổ châu Á khác sau khi đạt mức thu nhập trung bình thấp. Điều này là do năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nhân lực của Việt Nam vẫn chưa được thúc đẩy bởi đầu vào trong nước và sự lan tỏa công nghệ diễn ra chưa đủ nhanh như mong đợi.
Tuy nhiên, có một điểm sáng đáng kể: Dòng vốn FDI hiện tại từ các công ty fintech đang giúp Việt Nam có thêm thời gian để giải quyết sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Ví dụ, Chính phủ Việt Nam có thể thu hút Apple đầu tư vào công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), cũng như tăng cường mối quan hệ với các trường đại học và sinh viên Việt Nam, như cách mà Apple đã làm ở Trung Quốc.
Vị thế đặc biệt của Việt Nam trong cuộc đua thành con hổ mới châu Á
Khi thế giới đối mặt với bối cảnh mất cân bằng toàn cầu và dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã nổi lên như một trường hợp ngoại lệ.
Việt Nam đã có được nhiều thời gian hơn – nếu không muốn nói là lợi thế – trong cuộc đua trở thành con hổ châu Á tiếp theo.
“Việt Nam đã có vị thế đặc biệt để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới”, - ấn phẩm tin tưởng thành công của quốc gia này trong việc kiểm soát dịch Covid-19 với tư cách là nền kinh tế hoạt động hiệu quả hàng đầu châu Á trong thời kỳ đại dịch đã củng cố vị thế và danh tiếng của đất nước như một môi trường an toàn và thân thiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cuộc đua trở thành con hổ châu Á tiếp theo của Việt Nam có những thách thức, nhất là việc tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để sớm giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, các yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái đổi mới đang bén rễ mạnh mẽ khi Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình là cường quốc xuất khẩu công nghệ cao.