Theo cổng thông tin Chính phủ dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thực hiện kiểm điểm rất nghiêm túc và đề xuất các hình thức kỷ luật phù hợp.
Khởi tố 5 bị can thuộc Bộ Công Thương và Tập đoàn EVN
Tối 4/11, TTXVN dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 5 bị can là cán bộ thuộc Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo người phát ngôn Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thụ lý, điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ của Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương gồm: Trần Quốc Hùng - Phó trưởng phòng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương); Trịnh Văn Đoàn - chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục điều tiết Điện lực.
Ba bị can là cán bộ của Tập đoàn Điện lực (EVN) bị bắt gồm: Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đỗ Ngọc Tuyền, chuyên viên của phòng này; Trương Hoàng Dũng, chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 5 bị can trên.
5 bị can này bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đã kiểm điểm nghiêm túc lãnh đạo EVN
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 ngày 4/11,báo chí đã đặt câu hỏivề việc, vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành kết luận thanh tra về đảm bảo cung ứng điện liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, cũng như các đơn vị Tập đoàn năng lượng liên quan.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng đề nghị kiểm điểm với một số lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
“Vậy đề xuất này đã thỏa đáng hay chưa? Bộ Công Thương đã có những tiến hành kiểm điểm cũng như xem xét trách nhiệm liên quan đến quản lý giám sát của Bộ Công Thương đối với ngành điện có về việc bảo đảm cung ứng điện hay chưa?”, - cổng thông tin Chính phủ dẫn câu hỏi của phóng viên báo Tuổi trẻ nêu.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã thanh tra và trên cơ sở thanh tra đã có kết luận thanh tra việc cung ứng điện vào tháng 7 vừa qua. Trong đó, có nội dung rất quan trọng đó là công tác kiểm điểm. Vấn đề này Bộ Công Thương đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ là giao cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Qua quá trình theo dõi, giám sát, Bộ Công Thương nhận thấy các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thực hiện kiểm điểm rất nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan được chỉ ra tại kết luận thanh tra”, - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.
Theo ông Tân, các hình thức đề xuất kỷ luật đã được báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban đang chuẩn bị báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
“Riêng về phía Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra và tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan trong Bộ Công Thương, các nội dung kết luận cũng kiến nghị Bộ Công Thương kiểm điểm một số đơn vị (khoảng 5 đơn vị)”, - Thứ trưởng Tân nói.
Khẳng định tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban quản lý vốn để triển khai các giải pháp, đặc biệt là chỉ đạo EVN để khắc phục các hậu quả, nhất là tìm các giải pháp để tránh lặp lại các sai sót đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra của Bộ.
Lãnh đạo EVN bị khiển trách vì để thiếu điện ở miền Bắc
Tại họp báo,Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết, trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã nêu một số tồn tại và vi phạm trong cung ứng điện với các nội dung.
Trong đó có việc chậm đầu tư và hoàn thành một số nguồn lưới điện; đảm bảo dự trữ nguyên liệu sơ cấp để đảm bảo cung cấp điện; điều độ vận hành hệ thống điện một cách cân đối trong việc huy động các nguồn điện cơ cấu điện; vi phạm trong chỉ đạo điều hành vận hành hệ thống trong mùa khô 2023; gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng đặc biệt là trên khu vực miền Bắc vào tháng 5, tháng 6 năm 2023.
Ông Hùng nhắc đây là những nội dung rất quan trọng, làm rõ trách nhiệm các vấn đề liên quan những người, tập thể đã thực hiện nội dung này.
Dựa trên nội dung kết luận thanh tra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo EVN thực hiện kiểm điểm theo quy định.
“Sau khi kiểm điểm, tiến hành lập Hội đồng kỷ luật đưa ra mức kỷ luật. Đến thời điểm hiện nay EVN đã thực hiện kiểm điểm rất nghiêm túc, làm rõ các vấn đề phát sinh và kể cả các giải pháp cần phải khắc phục”, - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, hiện nay EVN đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 1 đồng chí Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện.
Vị lãnh đạo cho biết, EVN đã kiểm điểm tại 24 đơn vị trong tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan. Trong đó, tập đoàn này làm rõ trách nhiệm thực hiện xử lý kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, gồm kỷ luật khiển trách với một Phó tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện. Giám đốc, hai Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng chịu kỷ luật khiển trách. Hiện quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đã thực hiện theo quy định của trung ương và cơ bản hoàn tất.
Riêng trường hợp kỷ luật của nguyên Chủ tịch EVN và Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc EVN, ông Hồ Sỹ Hùng lưu ý, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp đang báo cáo Chính phủ, do vượt thẩm quyền.
Trước đó, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, trong thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 6 vừa qua, đã xảy ra tình trạng gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách đối với các lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), gồm: ông Dương Quang Thành, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN; ông Trần Đình Nhân, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc EVN; ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN và 3 lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.