Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo ngày 8/11 cho biết, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Sputnik
Tuy nhiên, cũng theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước, Mỹ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách giám sát cùng với Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore và Đài Loan.
Việt Nam trở lại danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ do thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam khoảng 4,7% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đạt 105 tỷ USD.

Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát thao túng tiền tệ

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ vừa ban hành báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".

Như đã biết, thao túng tiền tệ là quyết định áp đặt của chính quyền Hoa Kỳ nói chung và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nói riêng đối với những quốc gia đối tác mà Mỹ khẳng định có "hoạt động tiền tệ không công bằng" nhằm trục lợi thương mại.
Chính phủ Mỹ cũng luật hóa vấn đề thao túng tiền tệ (currency manipulation) thành một đạo luật cụ thể là Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus vào năm 1998 để giành quyền áp đặt các biện pháp thuế quan lên các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Mỹ cho rằng, một quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ thông qua việc can thiệp tiền tệ hoặc chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng - ngân hàng trung ương nước đó thông qua việc mua hoặc bán đồng ngoại tệ để đổi lấy đồng nội tệ với mục đích làm thay đổi giá trị tỷ giá hối đoái và chính sách thương mại.
Như đã thông tin, Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988 quy định, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ chịu trách nhiệm phân tích thường xuyên hàng năm chính sách tỷ giá hối đoái của nước ngoài và xem xét các nước này có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và USD nhằm ngăn chặn cán cân điều chỉnh thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh ở thương mại quốc tế" hay không.
Tại báo cáo mới này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Washington dựa trên cơ sở ba tiêu chí chính như thường lệ đó là thặng dư thương mại song phương với Mỹ; thặng dư cán cân vãng lai và khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Đến 2015, Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015 - được viết tắt là TFTEA) được ban hành dưới thời Tổng thống Barack Obama để cụ thể hóa hơn các tiêu chí chứng minh một quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ”.
Mỹ đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ dựa vào 3 tiêu chí:
1.
Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD;
2.
Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP;
3.
Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Nếu một nền kinh tế đáp ứng hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa họ vào "danh sách giám sát". Một khi nằm trong danh sách này, quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo, để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài.
Tại kỳ báo cáo mới nhất này, căn cứ theo thông cáo ngày 8/11/2023 của Ngân hàng Nhà nước, SBV cho biết, Việt Nam tiếp tục vào danh sách giám sát ngoại hối.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa 06 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam".

Như vậy, Việt Nam là một trong 6 nền kinh tế ở "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng.
"Trong đó, Việt Nam vượt ngưỡng 2 tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ (đạt 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP)", - Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ở đây, cán cân vãng lai gồm cán cân thương mại (thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu); chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài. Qua đó, cán cân vãng lai thể hiện những giao dịch hàng hoá, dịch vụ giữa người cư trú trong nước và ngoài nước.
Kurt Campbell: Mỹ muốn giúp Việt Nam thành ‘con hổ mới’ của châu Á

"Việt Nam không trượt dốc"

Theo Reuters ngày 8/11, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát sau khi thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu tăng lên tới 4,7% GDP trong thời gian giám sát.

"Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây khi nhiều doanh nghiệp chuyển một số hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam", - Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.

Mặc dù vậy, một quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam dường như không bị trượt dốc trong hoạt động quản lý ngoại hối cũng như trong việc hợp tác với chính quyền Mỹ về các vấn đề tiền tệ.
Giới chức Bộ Tài chính Mỹ tin rằng, đã có một số biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối, đặc biệt là của Nhật Bản, nhưng những biện pháp này nhằm mục đích nâng cao giá trị tiền tệ so với USD, không phải để hỗ trợ xuất khẩu.
Riêng Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách giám sát do thiếu minh bạch trong hoạt động ngoại hối, bao gồm cả các phương pháp và cách thức can thiệp vào đồng nhân dân tệ.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính Trung Quốc đã can thiệp để hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong giai đoạn giám sát mới nhất, nhưng không đến mức gây ra nguy cơ ảnh hưởng nào đáng lo ngại.

"Việt Nam không thao túng tiền tệ"

Thông báo hôm nay của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.

"Ngày 7/11/2023, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ" (sau đây gọi tắt là Báo cáo), tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam", - thông cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, tại các cuộc làm việc song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam do đã thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Dân Mỹ ít đến công sở, ngành tỷ đô Việt Nam căng thẳng
SBV cũng nhắc lại, tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
"Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ", - Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Thông qua việc trao đổi chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính Mỹ, NHNN tin tưởng rằng, hai bên sẽ tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh cùng quan tâm.
Có thể thấy, việc Việt Nam tiếp tục không bị Mỹ áp là quốc gia thao túng tiền tệ là yếu tố tích cực, phản ánh những hoạt động ngoại giao, trao đổi và làm việc của NHNN với Bộ Tài chính Mỹ đã mang lại kết quả tích cực.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có dư địa linh hoạt hơn trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hài hòa và hợp lý, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Thảo luận