Trong đó, liên quan đến các chỉ tiêu dự kiến khó đạt kế hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế, tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5% tăng trưởng, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả 6 nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu.
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ;
Thứ năm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp.
Thứ sáu, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò của 6 vùng KTXH, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.