Giá điện tăng lên hơn 2.000 đồng/kWh từ hôm nay

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ 1.920,3732 đồng/kWh lên thành 2.006,79 đồng/kWh, bắt đầu từ hôm nay 9/11.
Sputnik
Đây là lần thứ hai trong năm giá điện tại Việt Nam được điều chỉnh. Nếu cộng cả mức tăng 3% của ngày 4/5/2023 trước đó, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm 2023.

EVN thông báo tăng giá điện

Cổng TTĐT Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa phát đi thông báo điều chỉnh giá bán điện lẻ bình quân.
Theo đó, EVN đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ hôm nay 9/11.
Cụ thể, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4/5/2023 trước đó, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm 2023.
‘Sóng gió’ bắt đầu ở EVN
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho hay, với mức giá điều chỉnh mới, mỗi khách hàng dùng điện sinh hoạt 0-50 kWh phải trả tiền điện tăng 3.900 đồng.
Khách hàng dùng từ 51-100 kWh phải trả thêm 7.900 đồng. Ở các bậc 3-5 của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, tiền điện hộ gia đình phải trả tăng 17.200-42.000 đồng. Mức phải trả tăng nhiều nhất là với hộ dùng trên 500 kWh, thêm 55.000 đồng.

Thế khó của EVN

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo gửi Thủ tướng và các bộ ngành. Báo cáo cho biết, chi phí sản xuất điện tính đến tháng 10 tiếp tục biến động mạnh do chi phí đầu vào gia tăng rất mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn.
EVN ước tính, trong cả năm nay, sản lượng phát thực tế của thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh.
Nếu so sánh với thực tế năm 2022, sản lượng thủy điện giảm 22,5 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng 28,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 2,8 tỷ kWh.
Việc giá than, giá khí liên tục duy trì ở mức cao trong khi sản lượng phát thực tế của thuỷ điện suy giảm, lượng điện phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo gia tăng đã khiến giá thành sản xuất điện tăng mạnh.
“Tỷ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021. Các nhà máy nhiệt điện than và khí năm nay chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống nên giá nhiên liệu tăng cao, làm cho giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao”, báo Tiền phong dẫn báo cáo của EVN.
Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu. Cụ thể, số lỗ 6 tháng đầu năm của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng, trong khi tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.
Có cách giúp EVN giảm lỗ
Như vậy, nếu tính chung số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN đã ghi nhận khoản lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn điện thay đổi

Trước đó, ngày 4/5/2023, EVN thông báo chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành. Với quyết định này, giá điện bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 55,9 đồng, lên 1.920,3732 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Ngày 31/3/2023 trước đó, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Theo Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, trong số gần 80.000 MW nguồn điện toàn hệ thống năm 2023 (theo công suất đặt và đứng đầu ASEAN về quy mô), tỷ lệ sở hữu, trực tiếp quản lý nguồn điện của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện chỉ nắm giữ khoảng 47% công suất đặt.
Trong số đó, EVN đã không còn “độc quyền” khi chỉ nắm trực tiếp và gián tiếp là 37% (10% trực tiếp và 27% gián tiếp qua các Tổng công ty phát điện); TKV chiếm 2% chủ yếu là nhiệt điện, PVN chiếm 8% chủ yếu là điện khí và thuỷ điện nhỏ.
Số còn lại thuộc về các nhà đầu tư tư nhân chiếm 42% và các dự án BOT chiếm khoảng 10%, nguồn điện nhập khẩu và nguồn khác chiếm khoảng 1%.
EVN hết độc quyền
Thông tin Cục Điều tiết điện lực cho biết, đến nay, chỉ chưa đầy 20 năm, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam đã có thay đổi lớn.
Nguồn điện do các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, nắm giữ có xu hướng giảm dần; nguồn điện tư nhân ngày càng gia tăng đáng kể và dự kiến có thể chiếm gần một nửa toàn hệ thống vào năm 2030.
Đối với lần điều chỉnh này, EVN khẳng định, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Trong thông báo ngày 9/11, tập đoàn Điện lực Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của khách hàng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.
Thảo luận