Nếu không có gì thay đổi, theo báo Công an nhân dân, báo Đầu tư, dự họp sẽ có Thống đốc hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cùng đại diện nhiều bộ ngành, 14 ngân hàng và các tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam.
Cuộc họp quan trọng
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 933 ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ vào sáng ngày 13/11 sắp tới.
Fili cho biết, ngày 07/11, Ngân hàng Nhà nước đã có giấy mời gửi các đơn vị liên quan dự hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Báo Công an nhân dân thông tin, giấy mời của Ngân hàng Nhà nước gửi các đơn vị liên quan cho thấy, thành phần tham dự hội nghị sẽ gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo nhiều bộ ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, theo báo Đầu tư, hội nghị còn có sự tham dự của Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội; Tổng giám đốc của 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng).
Cùng với đó, Hội nghị cũng sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản.
Thời gian tổ chức hội nghị vào 8h ngày 13/11 tới.
Nhiều nỗ lực gỡ khó thị trường bất động sản
Trước đó, Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản.
Với ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần chỉ đạo các nhà băng có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Mặt khác, chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn hạn chế
Phát biểu tại nghị trường trong phiên chất vấn mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng đến nay mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng. Hiện có 18/63 UBND gửi văn bản công bố Dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến giải ngân gói tín dụng này còn hạn chế, Thống đốc nêu rõ, trước hết là do cả cầu lẫn cung còn hạn chế (nguồn cung về nhà ở xã hội còn ít; người dân có nhu cầu về nhà ở lớn nhưng nhu cầu vay mua nhà thì họ cân nhắc rất kỹ).
Thứ hai, theo lãnh đạo NHNN, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...
Nguyên nhân tiếp theo là gói 120.000 tỷ thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Thống đốc bày tỏ, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.
Về phía ngành xây dựng, tại công điện 993, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bảo đảm khả thi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững.
Đồng thời xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn, hướng dẫn thi hành các Luật, nhất là quy định về trình tự, thủ án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý…