Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) mới đây cho biết:
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và nhôm nhập từ 15 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Mỹ. Cùng với sản phẩm nhôm đùn ép, sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, tôm – mặt hàng thủy sản chủ lực xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam lại có thêm nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp. Sản phẩm bị điều tra là tôm nước ấm đông lạnh thuộc các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Các nước bị điều tra gồm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Việt Nam không phải là ngoại lệ đối với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ
Vì sao thời gian gần đây Mỹ liên tục gây khó dễ cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam? Nguyên nhân có phải chỉ là hàng không đạt tiêu chuẩn Mỹ không?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, để duy trì sự thống trị toàn cầu, chủ nghĩa tư bản Mỹ áp đặt và thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại với tất cả các nước có công nghệ và sản phẩm cạnh tranh với công nghệ và sản phẩm cùng loại của Mỹ; kể các các đồng minh chính trị của Mỹ ở phương Tây cũng như trên thế giới. Các quốc gia và khu vực có nền kinh tế đang phát triển, đang phát triển bậc cao và phát triển đều trở thành đối tượng áp dụng phòng vệ thương mại của Mỹ mà điển hình là EU.
Việt Nam không phải là ngoại lệ đối với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ.
Và đây không phải là lần đầu tiên và cũng chắc chắn không phải là lần cuối cùng Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2008, “nạn nhân” đầu tiên đến từ Việt Nam bị Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất nội địa là con cá ba sa. Người Mỹ coi cá ba sa (danh pháp khoa học: “Pangasius”) là cá da trơn thuộc bộ “Catfish” có thể cạnh tranh với loại cá da trơn cùng loại là cá nheo nuôi (danh pháp Ictalurus Punctatus) của Mỹ nên ban hành một đạo luật phòng vệ thương mại đối với sản phẩm này của Việt Nam. Mặc dù năm 2016, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn, nhưng thuế suất cao vô lý đối với cá basa thì vẫn giữ nguyên. Điều này buộc Việt Nam phải đệ đơn kiện lên WTO và cho đến nay, vụ kiện vẫn chưa được giải quyết đầy đủ.
“Đến năm 2020 thì Mỹ đã trở thành quốc gia dẫn đầu về điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam với tổng số 41 vụ việc bao gồm: 21 vụ điều tra chống bán phá giá, 8 vụ điều tra chống trợ cấp, 10 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 2 vụ điều tra tự vệ. Còn tổng cộng trong 22 năm đầu thế kỷ XXI, hàng hóa của Việt Nam đã phải gánh chịu 225 vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) khi vào thị trường Châu Âu và Mỹ, trong đó, riêng Mỹ là 51 vụ, chiếm 23%”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long chia sẻ thông tin với Sputnik.
18 sản phẩm của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ điều tra áp dụng phòng vệ thương mại
Các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị điều tra phòng vệ thương mại hiện nay mở rộng ra nhiều sản phẩm mới như: gạch ốp lát, đệm mút, ghế ngồi, dây đồng, nhựa, nhôm thỏi, máy cắt cỏ, lốp ô tô… Các sản phẩm có “truyền thống” bị Mỹ áp lệnh phòng vệ thương mại vẫn được “duy trì” gồm cá tra, cá basa, tôm nước ấm, các sản phẩm thép. Và đến ngày 9/10/2023, Bộ Công thương Việt Nam đã phát đi cảnh báo đối với 18 sản phẩm của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ điều tra áp dụng phòng vệ thương mại trong đó có:
4 sản phẩm nhóm gỗ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục, tủ bếp và tủ nhà tắm, ghế sofa có khung gỗ.
6 sản phẩm nhóm chế tạo gồm: Đá nhân tạo thạch anh, gạch men ceramic, xe đạp điện, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, pin mặt trời, máy giặt dân dụng cỡ lớn.
8 sản phẩm nhóm kim loại chế biến gồm: Thép carbon chống ăn mòn, ống thép hộp, thép ống tròn, cáp thép dự ứng lực, thép hình cán nóng, dây và cáp nhôm, nhôm thanh định hình, mặt bích bằng thép không gỉ.
“Việc Mỹ duy trì và mở rộng điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng của Việt Nam chắc chắn không phải vì sản phẩm hàng hóa của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn của Mỹ. Ngược lại, một số sản phẩm của Việt Nam còn có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm của Mỹ”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh rằng, nguyên nhân các động thái này của Mỹ nằm ở bốn vấn đề sau đây:
Về kinh tế, việc điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước Mỹ đối với các sản phẩm cùng loại với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam do hàng Việt Nam có giá cả cạnh tranh hơn hàng Mỹ trong nội địa, kể cả khi đã chịu thuế nhập khẩu.
Về xã hội, việc sản xuất bị thu hẹp đẻ ra nguy cơ thất nghiệp, thiếu công ăn việc làm trong khi làn sóng nhập cư vào Mỹ vẫn không dừng lại.
Về khoa học, việc sản xuất chậm phát triển hoặc không phát triển tạo ra nguy cơ tụt hậu về công nghệ.
Về chính trị, đây là một nguyên nhân rất quan trọng mà chúng ta cần phân tích kỹ hơn.
Mỹ áp dụng điều tra phòng vệ thương mại với 16 trong số 18 mặt hàng của Việt Nam là nhằm vào Trung Quốc
Về nguyên nhân chính trị: Lẽ ra sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất (đối tác chiến lược toàn diện) thì Mỹ sẽ “nới lỏng tay” cho hàng Việt Nam, chí ít là nhiều doanh nghiệp và giới chuyên gia đã kỳ vọng như vậy.
“Việc Mỹ áp đặt các biện pháp điều tra nhằm mục đích phòng vệ thương mại không còn đơn thuần chỉ là nhằm bảo hộ sản xuất nội địa nữa mà đã hàm chứa nhiều mục đích cạnh tranh tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó không thể thiếu mục đích cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị toàn cầu với các đối thủ lớn đang phát triển nhanh, đặc biệt là Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Mỹ về kinh tế chính trị và thứ hai về quân sự”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Kết quả điều tra của nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cho thấy: Hầu hết trong số 18 mặt hàng mà Bộ Công thương cảnh báo về nguy cơ Mỹ sẽ điều tra phòng vệ thương mại đều có sự liên quan đến bên thứ ba mà nhiều nhất là Trung Quốc. Trong đó, cả 4 sản phẩm nhóm gỗ đều có các chi tiết quy định rất chặt chẽ liên quan đến các nguồn nguyên liệu gỗ từ Trung Quốc. Cả 6 sản phẩm nhóm chế tạo cũng đều có các nguyên nhân liên quan đến sản phẩm tiền chế hoặc nguyên liệu có xuất xứ Trung Quốc.
Trong số 9 sản phẩm kim loại chế biến, chế tạo có tới 7 sản phẩm có liên quan đến nguyên liệu hoặc sản phẩm tiền chế từ Trung Quốc và một loại các nước và vùng lãnh thổ khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico.v.v… Chỉ có 2 sản phẩm thép hình cán nóng và dây cáp nhôm là không liên quan đến Trung Quốc.
“Đến đây, có thể kết luận rằng, việc Mỹ có thể áp dụng điều tra phòng vệ thương mại với 16 trong số 18 mặt hàng nói trên là nhằm vào Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa là sự bắt buộc gián tiếp đối với Việt Nam phải tự mình sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm sơ chế, tiền chế từ các nguồn khác không bị Mỹ áp dụng phòng vệ thương mại. Hệ quả sâu xa hơn của của động thái này là dần dần kéo Việt Nam ra khỏi các quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhằm bao vây, cô lập Trung Quốc và đương nhiên là gây tổn hại đến quan hệ kinh tế song phương Việt – Trung”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Qua đây, có thể thấy rằng, nhận định Mỹ sẽ “nới tay” trong quan hệ với Việt Nam về kinh tế sau khi hai nước thiết lập mức quan hệ cấp đối tác chiến lược toàn diện là một sai lầm.
Hoa Kỳ còn lâu mới triển khai những thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 tại Hà Nội
Như vậy, việc Hoa Kỳ triển khai ngay những thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 là không hiện thực?
Trả lời câu hỏi này của Sputnik, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh: Trước hết, giữa Mỹ và Việt Nam không hề tồn tại cái gọi là quy chế “tối huệ quốc”. Quy chế này của Mỹ chỉ từng áp dụng đối với các đồng minh thân cận nhất của nhóm G7 trong thời kỳ chiến tranh lạnh để lôi kéo đồng minh. Còn trong hiện tại thì quy chế đó không còn được áp dụng. Hơn nữa, quy chế ấy còn đi ngược lại các quan điểm cơ bản của WTO về tự do cạnh tranh.
Thứ hai, dù cho đích thân Tổng thống Mỹ đã tuyên bố thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển đi nữa thì không có nghĩa là Mỹ sẽ triển khai áp dụng ngay tức khắc các quy định thuộc 10 nhóm vấn đề hợp tác mà Việt Nam và Mỹ đã thỏa thuận. Đó là vì theo luật pháp Mỹ, bất kỳ một thỏa thuận song phương hoặc đa phương do người đứng đầu chính quyền Mỹ ký kết với các đối tác đều chỉ có hiệu lực khi được cả Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Mỹ phê chuẩn. Nếu không, các thỏa thuận ấy sẽ vô hiệu như chưa từng tồn tại.
Thế giới từng chứng kiến Mỹ và các nước có vũ khí hạt nhân đã ký với Nga Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) vào năm 2000. Hiệp ước này là chốt chặn cuối cùng đối với việc chế tạo và sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi một loạt các hiệp ước song phương giữa Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) với Mỹ bị hủy bỏ hoặc không gia hạn hiệu lực. Truyền thông Mỹ và phương Tây đưa tin phê phán Nga hay chí ít cũng lấy làm tiếc về sự kiện này. Nhưng có một điều duy nhất mà Mỹ và phương Tây lờ đi, đó là vì đã 23 năm trôi qua mà Hiệp ước quan trọng này chưa từng được Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Mỹ thông qua nên cả về lý thuyết và thực tiễn Mỹ vẫn có quyền chưa thực hiện nó. Ngoài Mỹ, hiệp ước này vẫn chưa được Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Israel, Iran và Ai Cập phê chuẩn.
Những bước đi cần thiết và tiếp theo của Việt Nam
Theo nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, bằng kinh nghiệm lịch sử của mình, người Việt Nam không hề ảo tưởng đối với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện và luôn có sẵn thư viện pháp đối phó với các động thái của Mỹ để hạn chế những bất lợi cho mình, nhất là trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Việt Nam biết rằng, Mỹ luôn có những động thái trái ngược nhau giữa lời nói và việc làm, giữa cam kết và hành động, bất kể ở lĩnh vực nào.
Trước hết, với quan điểm “phòng ngừa từ xa”, các cơ quan hữu quan của Việt Nam có đủ kinh nghiệm và hoạt động hiệu quả để nắm tình hình một cách chắc chắn, dự báo chiến lược, cảnh báo sớm các động thái của đối tác Mỹ. Từ đó, có các biện pháp khuyến cáo, hỗ trợ các doanh nghiệp của mình đề phòng, chuyển hướng và chuẩn bị sẵn các dữ liệu pháp lý để đối phó.
Trong quá trình đấu tranh với phía Mỹ, người Việt Nam luôn khôn khéo vận dụng chính luật pháp Mỹ và những mâu thuẫn trong hệ thống đó; đặc biệt là những mâu thuẫn trong hệ thống luật pháp liên bang Mỹ với luật pháp của các bang để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Trong đó, công tác ngoại giao nhân dân, vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp Mỹ có cùng cảnh ngộ cũng rất quan trọng.
Biện pháp tiếp theo là khởi kiện ra tổ chức WTO. Biện pháp này tuy bất đắc dĩ mới phải làm vì rất tốn kém và kéo dài vụ việc nhưng nếu thành công, sẽ đem lại những lợi ích có tính chiến lược. Bởi Việt Nam và Mỹ đều cùng là thành viên WTO nên phải thi hành các phán quyết của tổ chức này.
“Để bảo đảm không bị lệ thuộc, cần mở rộng thị trường của tất cả các sản phẩm. Xây dựng các thị trường thay thế để không bao giờ phải “bỏ tất cả trứng” vào “cái giỏ thị trường Mỹ”, phá thế “độc quyền tiêu thụ” của Mỹ”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
“Không ngừng mở rộng và hiện đại hóa nền sản xuất nội địa, tránh bị phụ thuộc vào bên ngoài về nguyên liệu, tránh bị lệ thuộc về đầu tư tài chính dẫn đến lệ thuộc về chiến lược kinh doanh. Xây dựng một nền kinh tế đa dạng, mạnh mẽ với thị trường được mở rộng toàn cầu trong thời cơ mới khi thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ từ mô hình đơn cực sang mô hình đa cực nhiều trung tâm là thượng sách để đối phó với các hành động phòng vệ thương mại của các đối tác”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu quan điểm và đánh giá của mình với Sputnik.