Bước đầu xác định trên địa bàn thành phố có 67 nhà ở riêng lẻ tổ chức thành công trình kinh doanh hộp ngủ.
Qua thống kê 58 công trình, Sở Xây dựng cho biết có 2.165 "hộp ngủ" đã được đưa vào sử dụng, còn 9 công trình khác không kiểm tra được do chủ nhà đóng cửa.
Trong đó, nhiều nhất là các địa bàn: quận Gò Vấp (15 công trình hộp ngủ với 474 hộp ngủ), Phú Nhuận (9 công trình với 335 hộp ngủ), quận 10 (9 công trình với 440 hộp ngủ), quận 1 (8 công trình với 257 hộp ngủ), quận Bình Thạnh (6 công trình với 243 hộp ngủ), quận Tân Phú (4 công trình với 140 hộp ngủ), quận 5 (3 công trình với 180 hộp ngủ), quận 3 (3 công trình với 86 hộp ngủ), quận 8 (1 công trình).
Tại các quận huyện còn lại qua khảo sát chưa phát hiện các công trinh kinh doanh hộp ngủ.
Sở Xây dựng nhận định loại hình "hộp ngủ" có số lượng người tập trung đông trong một không gian hẹp, không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng như tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố về cháy nổ.
Phần lớn công trình dạng này được chủ thuê lại một nhà ở riêng lẻ cao tầng rồi phân chia, ngăn thành các "hộp ngủ", hầu hết công trình đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng. Việc chuyển giường ngủ truyền thống thành giường ngủ dạng "hộp ngủ" bằng gỗ, nhựa hoặc giường tầng bằng sắt dạng lắp ghép nên không phát sinh việc xây dựng, sửa chữa.
Theo quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng tại TPHCM, công trình xây dựng sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, chuyển UBND cấp xã để tiếp tục theo dõi, giám sát; trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, UBND cấp xã lập hồ sơ xử lý theo quy định. Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM giao các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, xử lý theo thẩm quyền.