Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nêu bật chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh trên cơ sở hệ thống doanh nghiệp công nghiệp lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Khai mạc VIMEXPO 2023
Sáng 15/11, Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2023 chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Chương trình do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - (IDC) chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức.
Triển lãm Vimexpo 2023 sẽ mở cửa đón khách tham quan trong 3 ngày 15 đến 17/11.
Theo thông tin trên báo Đầu tư (Bộ KH&ĐT), VIMEXPO 2023 quy tụ sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước với quy mô 7.000 m2 - gần 300 gian hàng đại diện các tên tuổi lớn tại Việt nam như Samsung Việt Nam, Trường Hải Thaco, Toyota Việt Nam, VEAM, Kowang, Horn & Boehlerit, Jaan - E, Hanoi plastic, Yangmin, Hợp kim Tân Phong, Cơ khí 83, VProud, Shensu, EMA, JS Tech... cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế với định hướng kết nối để phát triển, tôi tin tưởng rằng Triển lãm VIMEXPO 2023 sẽ trở thành điểm gặp gỡ lý tưởng giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
VIMEXPO 2023 cũng góp phần cụ thể hóa, hiện thực hoá mong muốn và chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh trên cơ sở phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp lớn mạnh cả về lượng và chất.
Việt Nam là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới
Tại sự kiện, đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam, ông Darryl Dong đề cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Việt Nam đã khẳng định mình là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới... Việt Nam đã thu hút được các nguồn vốn đầu tư FDI và các công ty đa quốc gia ấn tượng, và nhiều công ty trong số đó có mặt tại đây hôm nay”, ông Dong khẳng định.
Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam nêu bật quan hệ hợp tác của IFC với Bộ Công Thương và Cục Công nghiệp Việt Nam, đồng thời, trân trọng cảm ơn các cơ quan đã chọn IFC làm đối tác chiến lược để hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghiệp và chế tạo của Việt Nam.
Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang dịch chuyển mang tính toàn cầu, để ngành chế biến chế tạo của Việt Nam phát triển hơn nữa, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thì việc sự tăng trưởng của ngành công nghiệp có liên quan, tức là ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng.
Có thể nói, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ trong việc góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp có liên quan của Việt Nam.
Phó Đại sứ Nhật bày tỏ, để Việt Nam có thể phát triển hơn nữa trong ngành chế biến chế tạo, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, bên cạnh việc thúc đẩy hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ, quan trọng là Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
“Tôi rất mong chờ được chứng kiến nhiều trưng bày, triển lãm thú vị tại VIMEXPO 2023 lần này hướng tới kỷ nguyên mới trong ngành chế biến chế tạo”, ông Shige nhấn mạnh.
Samsung tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng
Chia sẻ tại sự kiện, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định, Samsung sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo tạo bài bản”.
Bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự vào sự kiện VIMEXPO vì sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, ông Choi Joo Ho hy vọng rằng buổi triển lãm sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu.
Ông Choi Joo Ho thông tin thêm, kể từ khi đầu tư lớn vào Việt Nam, Samsung đã hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Công Thương và nỗ lực cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Lãnh đạo Samsung nhắc lại, kể từ năm 2015, các chuyên gia từ công ty mẹ của Samsung đã được cử sang Việt Nam để tư vấn cải tiến sản xuất và chất lượng cho khoảng 400 doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Samsung đã hỗ trợ đào tạo cho 207 tư vấn viên người Việt Nam. Chính các tư vấn viên này lại đi khắp Việt Nam tư vấn cho các công ty khác và họ đang tạo ra những kết quả tuyệt vời.
“Trên nền tảng triết lý kinh doanh của Samsung Viêt Nam là “đồng thịnh vượng”, trong thời gian tới Samsung cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tiếp tục các hoạt động phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Vietnam tin tưởng vào tương lai đầu tư ở quốc gia Đông Nam Á.
Đến nay Samsung đã có những đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 là doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Như Sputnik thông tin trước đó, Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp gần 30 lần sau 15 năm, lên tới khoảng 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tại Việt Nam Samsung hiện có 6 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và 1 pháp nhân bán hàng.