Luật mới của Liên minh châu Âu (EU) về cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến hoạt động phá rừng được thông qua ngày 29/6/2023 và sẽ có hiệu lực vào 30/12/2024. Theo đó, các công ty nhập khẩu các mặt hàng như cà phê, ca cao, thịt bò, đậu nành, cao su và dầu cọ phải trình giấy chứng nhận hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng - hành động góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, hoặc chịu phạt nặng.
Quy định này sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất cà phê của Việt Nam như thế nào?
Ngành cà phê Việt Nam cần phải làm gì, tính đến việc EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam?
Phóng viên Sputnik đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa.
Chứng minh được cà phê không liên quan tới hoạt động phá rừng, mới có thể xuất khẩu vào EU
Sputnik: Thưa Tiến sỹ Lê Hòa, ông có thể cho biết cụ thể hơn về Quy định chống phá rừng của EU?
TS kinh tế Lê Hòa:
Kể từ ngày 31/12/2024, EU cấm việc bán cà phê có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hoặc đất bạc màu đã bị cấm. Quy định của EU yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. Các công ty có thể kết hợp dữ liệu này với các công cụ giám sát vệ tinh. Những công cụ này kiểm tra xem các công ty có đáp ứng các yêu cầu của quy định hay không và xác định các khu vực tiềm ẩn có nguy cơ suy thoái đất và phá rừng.
Theo Quy định này, sẽ dán nhãn các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng có rủi ro thấp.
Theo quy định này, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào, trong đó có Việt Nam, đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc đất bạc màu bị cấm. Chứng minh được, họ mới có thể xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU).
Đồn điền cà phê ở Việt Nam
© Ảnh : Pixabay/Хuanduongvan87
Quy định nhằm mục đích giải quyết nạn phá rừng, gây suy thoái rừng và giúp bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được Quy định của EU, họ có thể mất thị trường này
Sputnik: Quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành cà phê Việt Nam?
TS kinh tế Lê Hòa:
Hiện tại, khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu trồng cà phê, trong đó Brazil, Việt Nam, Indonesia, Colombia và Honduras chiếm 85% sản lượng cà phê thế giới.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,78 triệu tấn cà-phê với tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong suốt một thập kỷ trở lại đây. Đặc biệt, EU là thị trường tiêu thụ cà-phê xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 39% thị phần xuất khẩu.
Quy định chống phá rừng của EU sẽ gây ra nhiều khó khăn đáng kể, sẽ tác động trực tiếp tới người nông dân, doanh nghiệp, ngành cà phê, cả ngành nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt trong việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường.
Như vậy, tình hình đòi hỏi việc điều chỉnh các phương thức sản xuất mới sao cho đáp ứng được các tiêu chuẩn phù hợp hoạt động xuất khẩu. Việc này thực sự khó. Hiện tại, các công ty sản xuất cà phê Việt Nam vẫn thiếu chuẩn bị cho việc tuân thủ Quy định mới của EU. Họ vẫn còn rất lúng túng. Đây cũng là tình hình chung ở nhiều nước trồng cà phê.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được Quy định của EU, họ có thể mất thị trường. Các nhà nhập khẩu EU sẽ chuyển nguồn cung ứng sang các khu vực phát triển hơn như Brazil, những nơi có khả năng truy xuất nguồn gốc tốt hơn. Như vậy, ngành cà phê Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Tất nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể khai thác những thị trường khác có các quy định ít nghiêm ngặt hơn, nhưng việc này cũng không hề dễ dàng.
Cần những hướng đi và bước phát triển mới
Sputnik: Chỉ còn hơn 13 tháng nữa là Quy định của EU sẽ có hiệu lực. Việt Nam cần làm gì để không bị mất một thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn và tiềm năng như EU?
Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa:
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu 4,06 tỷ USD (năm 2022) là con số còn hạn chế. Để tăng giá trị xuất khẩu và sản lượng còn rất nhiều việc phải làm. Đó là phát triển ngành chế biến, trong đó cả chế biến sâu, tái canh tác cây cà phê, khảo sát và bảo đảm diện tích nguyên liệu cho cà phê xuất khẩu. Giờ đây các vùng trồng cà phê còn phải tuân thủ quy định chống phá rừng và suy thoái rừng từ châu Âu.
Các doanh nghiệp cần thiết lập vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết nông dân, xây dựng vùng trồng đạt chuẩn và tính đến việc chế biến sâu. Hiện nay tỷ lệ cà phê chế biến chiếm tỷ lệ còn rất nhỏ - chưa đến 10% tổng sản lượng, mà chủ yếu là tiêu thụ trong nước.
Các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cũng nên chú trọng các thị trường tiềm năng (tiêu thụ cà phê rất lớn) và ít đòi hỏi hơn mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do như thị trường Nga, thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu…