Báo cáo của Ember, tổ chức tư vấn năng lượng phi lợi nhuận của Anh, cho rằng có đến 99% tiềm năng điện gió, điện mặt trời của ASEAN chưa được khai thác. Và các cơ chế chính sách của Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia có thể thúc đẩy tăng trưởng năng lượng sạch trong tương lai.
Việt Nam – động thực thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo ở ASEAN
Vnexpress dẫn báo cáo mới nhất từ Ember, tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng của Anh, cho biết tổng sản lượng điện mặt trời và năng lượng gió ở Đông Nam Á đạt hơn 50 TWh vào năm ngoái (so với mức 4,2 TWh hồi 2015).
Đáng chú ý, trong những năm vừa qua, Việt Nam nổi lên là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo của cả khu vực, khi chỉ riêng Việt Nam đã đóng góp 69% tổng sản lượng điện mặt trời và gió trong khu vực vào năm 2022.
Ember ghi nhận, môi trường chính sách thuận lợi đã dẫn đến sự bùng nổ năng lượng điện mặt trời của Việt Nam mấy năm gần đây. Năm 2017, Việt Nam đã ban hành ra biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT, 6,67-10,87 cent cho 1kWh). Đây là kế hoạch hiệu quả, khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn.
Chưa hết, Chính phủ Việt Nam còn có các khoản miễn trừ thuê đất, miễn thuế cho các thiết bị liên quan, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của điện tái tạo so với các loại năng lượng truyền thống.
Từ 2021 đến 2022, biểu giá này đã bị loại bỏ dần, dẫn đến sự chậm lại chung của tốc độ tăng trưởng năng lượng mặt trời của khu vực. Tốc độ tăng trưởng điện mặt trời, gió của ASEAN giảm xuống còn 15% vào năm 2022 so với mức trung bình hàng năm là 43% kể từ 2015.
Tuy nhiên, nhìn chung sản lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió vẫn chiếm 13% tổng sản lượng điện Việt Nam hồi năm ngoái, cao nhất ở Đông Nam Á.
Ember cho rằng, xu hướng tăng trưởng chung của khu vực không nhất thiết phản ánh xu hướng tăng trưởng của các nước cụ thể. Chẳng hạn, ở các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan hay Singapore, tốc độ tăng trưởng điện mặt trời năm 2022 có tăng so với năm trước đó.
"Chúng tôi đã chứng kiến một số tiến bộ to lớn về phát triển năng lượng sạch ở một số nước ASEAN, được hỗ trợ bởi các chính sách mạnh mẽ", - Tạp chí Saigon Times dẫn lời TS. Dinita Setyawati – tác giả báo cáo.
Cũng theo bà Dinita Setyawati, điện mặt trời và gió là một trong những công nghệ hứa hẹn nhất có khả năng tạo ra thị trường mới, thúc đẩy việc làm, đồng thời giúp chuyển đổi năng lượng.
99% tiềm năng của ASEAN chưa được khai thác
Ngoài Việt Nam, Thái Lan cũng là quốc gia có tiềm năng về điện mặt trời lớn nhất cùng công suất điện gió xếp thứ 3 trong ASEAN. Năm ngoái, Thái Lan đóng góp 16% tổng sản lượng khu vực.
Việc phát triển năng lượng tái tạo còn mang lại cơ hội cho quá trình khử carbon tại Philippines. Đây là nước sản xuất lớn thứ hai ở Đông Nam Á nên có nhu cầu lớn về năng lượng từ ngành. Năm ngoái, Philippines đã góp 5% tổng sản lượng điện gió, điện mặt trời tại khu vực.
Cũng theo Ember, sản lượng điện sạch ASEAN đã tăng trưởng tích cực trở lại trong năm 2023 nhờ hàng loạt dự án lớn đi vào vận hành. Thái Lan đã triển khai cơ chế FIT cho năng lượng tái tạo từ năm ngoái. Trong khi đó, Việt Nam đang đề xuất cơ chế đấu giá để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Báo cáo của Ember nhận định, có đến hơn 99% tiềm năng điện gió, điện mặt trời của ASEAN chưa được khai thác.
"Các nước ASEAN có truyền thống dựa vào nhiều nguồn năng lượng khác nhau như khí đốt, than hoặc thủy điện để định hình cấu trúc năng lượng của từng quốc gia", - bà Setyawati nói.
Chuyên gia của Ember đánh giá, lưới điện trong khu vực ASEAN vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy điện lớn để truyền tải điện.
Bà Setyawati cho rằng, trong tương lại, sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và cam kết của Chính phủ vẫn là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tiến bộ trong việc triển khai năng lượng tái tạo ở ASEAN.
"Khu vực ASEAN kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng năng lượng sạch thông qua sự hỗ trợ chính sách như cơ chế đấu giá ở Việt Nam, giá điện xanh ở Malaysia cùng các ưu đãi về hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin ở Thái Lan", - báo cáo của Ember nhận định.