Intel và Việt Nam: Khi công ty Mỹ không nghe lời Tổng thống Biden

Chuyên gia nêu quan điểm lưu ý, các công ty Mỹ “không nghe lời” Tổng thống và họ cũng không có khái niệm “đầu tư như là yêu nước”. Họ đơn thuần làm việc vì lợi nhuận.
Sputnik
Việc Intel chuyển hướng mở rộng sản xuất chip sang nước khác, theo chuyên gia, không nằm ngoài lý do này.
Trong bài viết đăng trên SGGP, TS. Giang Công Thế dẫn ý kiến một người là chuyên gia trong ngành cho rằng, với những đặc thù hiện tại, việc Intel không mở rộng (có thể là phân khúc sản xuất) cũng có thể được xem là một cơ hội cho Việt Nam.

Khi công ty Mỹ “không nghe lời” Tổng thống Mỹ

Thông tin Intel dừng mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam, chuyển qua nước ngoài, đang thu hút nhiều luồng ý kiến trên mạng và trong giới công nghệ.
TS. Giang Công Thế, chuyên gia IT từng có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Thế giới (WB), đã có bài viết đăng trên chuyên trang Đầu tư tài chính, báo SGGP chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Theo đó, hồi tháng 10 vừa qua, trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, có cả Intel, Google và gần chục công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đi theo. Điều này đã mang lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng, từ khi manh nha ý tưởng đầu tư tới lúc thực hiện cần khá nhiều thời gian tìm hiểu nguồn lực như nhân lực, tài chính, nơi đặt trụ sở, môi trường đầu tư lẫn môi trường sản xuất.
Theo chuyên gia, cần lưu ý, các công ty Mỹ “không nghe lời” Tổng thống và họ cũng không có khái niệm “đầu tư như là yêu nước”. Các doanh nghiệp Mỹ làm việc vì lợi nhuận.
“Chỉ khi nào đầu tư phải có lãi, an toàn, có chiến lược lâu dài, họ mới bỏ tiền”, - TS. Giang Công Thế lưu ý.
Intel, Samsung, Foxconn không dại gì rút khỏi Việt Nam
Thực tế, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy Intel Việt Nam tại TP.HCM, nên nhiều người đã hy vọng tập đoàn này sẽ đổ thêm vốn sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Thế rồi, lại có tin Intel đã lựa chọn một nhà máy ở Ba Lan với mức vốn đầu tư (dự kiến) hơn 4 tỷ USD; sau đó lại có tin Intel chuyển hướng mở rộng đầu tư sản xuất sang Malaysia.
“Bởi, các ông trùm công nghệ buộc phải nghĩ rất kỹ, vì nhà máy sản xuất chip đâu phải “cái ba lô” thích là xách lên rồi đi. Còn tin do phía ta thiếu điện, hành chính lòng vòng (cái này cũng không sai lắm) nên Intel bỏ cuộc cũng hẳn chưa đúng, bởi Intel phải nghĩ kỹ cho dài hạn, đã bỏ vào 3-4 tỷ USD cũng phải an toàn và lãi kha khá, nếu không đầu tư làm gì”, - TS. Giang Công Thế nêu ý kiến trên báo SGGP.

Có thể là cơ hội cho Việt Nam

Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, việc Intel dừng mở rộng, có thể là “cơ hội” cho Việt Nam.
Chuyên gia Giang Công Thế nhắc lại câu chuyện của một người bạn, tốt nghiệp Vật lý bán dẫn, về nước làm cho Bộ Quốc phòng khá lâu, chuyên nghiên cứu về chip, cho biết sản xuất chip có 3 công đoạn là thiết kế, sản xuất wafer (vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp), cắt và đóng gói.
“Riêng wafer có hình tròn do giống như tinh thể của hạt cát (tên gọi có lẽ vì trông giống loại bánh cũng hình tròn có tên là wafer khi ăn hay rưới thêm mật ong, đại loại trông khá ngon ăn). Và anh nhận xét, người Việt tài giỏi, chịu khó học hỏi, sáng tạo, nhưng cũng khó làm được công đoạn thiết kế như Tây, vì đơn giản hôm nay chúng ta mới bắt đầu”, - ông chia sẻ.
Cuối thập niên 1970, Việt Nam đã lắp ráp thành công chiếc máy vi tính đầu tiên. Khi đó, các đoàn Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản đã sang thăm nườm nượp. Từ đó, Đài Loan bắt đầu chính sách thu hút đầu tư về lĩnh vực sản xuất bán dẫn (sau khi tham quan Việt Nam). Và đến nay, ai cũng thấy Đài Loan đã đạt thành công vang dội về sản xuất bán dẫn trên thế giới.
Sản xuất wafer cũng được xem là khó vì nhà máy đặc biệt, công nghệ đặc biệt, đội ngũ đặc biệt. Đặc biệt, nhà máy phải sạch, khu lắp ráp không được có bụi, người vào phải mặc áo bảo hộ. Chỉ riêng khâu chuẩn bị này Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được, nên còn phải khá lâu mới đủ điều kiện sản xuất.
Vì sao Intel gác kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam?
Theo người bạn của TS. Giang Công Thế, công đoạn cắt tấm wafer và đóng gói “dân ta làm ngon” vì hiện đang có nhà máy làm ở TP.HCM.
Tuy nhiên, làm công đoạn này không học được nhiều về công nghệ chế tạo chip, trong khi Việt Nam đang có nhiều công ty lớn như FPT, Viettel, VinGroup đang rất muốn làm chủ. Do vậy, người bạn của ông Thế cho rằng, việc Intel không mở rộng (có thể là phân khúc sản xuất) cũng là một cơ hội cho Việt Nam.

“Cứ làm tốt công đoạn 3, rồi môi trường thông thoáng, đội ngũ giỏi (cái này cần vài thập niên), Intel thấy hay họ tiếp tay cho ta sản xuất. Thiết kế cần chất xám cao cấp, sản xuất chip cần nền tảng công nghệ, môi trường kinh doanh, đội ngũ công nghệ, điều này cho thấy Việt Nam vẫn chưa “đi tắt đón đầu” ngay được”, - chuyên gia kết luận.

Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của nhiều “đại bàng”

Trước đó, ngày 7/11, Reuters nguồn tin không chính thức cho biết, Intel vừa quyết định hủy kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Phản hồi thông tin này, Intel cho biết sau lần tăng vốn năm 2021, hãng chưa từng công bố kế hoạch tăng vốn thêm ở Việt Nam.
Tuy vậy, dù thông tin này có chính xác hay không, Việt Nam hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn ông lớn công nghệ trên toàn cầu. SGGP nhắc lại, trong làn sóng nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam những năm gần đây, có rất nhiều “đại bàng” đến lót ổ như GE, Cocacola, PesiCo, Dell, Walmart, AES, McDonald’s, Starbucks…(Mỹ); Toyota, Honda, Canon, Panasonic, Sony, (Nhật Bản); Samsung, LG, Lotte, Hyundai, Daewoo (Hàn Quốc); Singtel, Sembcorp, Ascendas, Frasers Property (Singapore); Huawei, Xiaomi, Alibaba, Tencent (Trung Quốc); Foxconn, Formosa, Pegatron (Đài Loan)…
Cũng cần lưu ý rằng, việc Intel tạm gác kế hoạch mở rộng ở Việt Nam cũng không làm thay đổi xu hướng thu hút FDI vào Việt Nam thời gian tới của các nhà đầu tư với mục tiêu 35-40 tỷ USD mỗi năm. Chỉ tính riêng các công ty Mỹ, rất nhiều gã khổng lồ đã tuyên bố sẽ đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như Apple và các đối tác của mình như Foxconn, Pegatron, Google hay Amazon.
Việt Nam tiến thoái lưỡng nan về ưu đãi thuế cho Samsung, Intel và các ông lớn FDI
Suốt nhiều năm qua, nhiều chuyên gia thế giới đã bày tỏ lạc quan về môi trường đầu tư FDI của Việt Nam. Trong một bài viết trên Bloomberg năm 2022, ông Christian Mumenthaler, CEO Swiss Investment Corp - công ty tư vấn đầu tư của Thụy Sĩ, nhận định:
“Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện các cải cách kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài”.
Hay như ông Hiroyuki Ishige, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), thì cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.
Lãnh đạo JCCI nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá cả cạnh tranh. Quốc gia Đông Nam Á còn đang tích cực phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chưa hết, hàng loạt định chế quốc tế hàng đầu cũng tin tưởng vào khả năng thu hút FDI của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2023, được công bố hồi tháng 4 vừa qua, khẳng định Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á, với nhiều lợi thế như lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá cả cạnh tranh, chính trị ổn định, và môi trường pháp lý minh bạch.
Không phải ngẫu nhiên Samsung, Intel hay Apple chọn Việt Nam
Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 9, ghi nhận Việt Nam đã có những cải cách đáng kể trong môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Theo báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu công bố vào tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng Việt Nam thứ 65 trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2023, tăng 12 bậc so với năm 2022.
“Việt Nam được đánh giá cao về các chỉ số liên quan đến môi trường đầu tư, bao gồm: tính minh bạch của chính phủ, tính ổn định của chính trị, và chất lượng của cơ sở hạ tầng”, - báo cáo nêu.
Thảo luận