Bộ Nội vụ lên kế hoạch kiểm tra ở các địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, ghi nhận đề xuất, nêu kiến nghị phù hợp trình Trung ương có chính sách điều chỉnh.
Hơn 1.000 đơn nghỉ việc
Ngày 21/11, Đoàn Kiểm tra của Bộ Nội vụ làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các ngành, địa phương của tỉnh về tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, thôi việc, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của các cơ quan tổ chức cá nhân trong thi hành công vụ.
Theo thông tin trên báo điện tử Đại biểu Nhân dân, Đoàn Kiểm tra của Bộ Nội vụ sẽ làm việc với các sở, ngành như Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cùng các địa phương trong tỉnh đến ngày 25/11.
Báo cáo của Sở Nội vụ Bình Dương gây chú ý khi cho biết, từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 1.125 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc.
Trong số này có 108 công chức và 1.017 viên chức, trong đó có 70 trường hợp là lãnh đạo, quản lý.
Trong số đó, ngành giáo dục có số viên chức thôi việc, bỏ việc cao nhất với 675 người, kế đó là ngành Y tế với 270 người.
Nguyên nhân là gì?
Theo Sở Nội vụ, nguyên nhân thôi việc, bỏ việc của công chức, viên chức ở Bình Dương có nhiều lý do. Chủ yếu là do sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Cùng với đó, chính sách tiền lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Theo cơ quan hữu quan, thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình, chưa tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, gắn bó lâu dài với cơ quan Nhà nước.
Cạnh đó, Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, khối lượng công việc ngày càng cao, trong khi biên chế được giao thấp.
Để hoàn thành nghiệm vụ, cán bộ, công chức phải làm việc ngoài giờ hành chính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng công việc.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh, số biên chế của tỉnh Bình Dương đang có mức thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, ít hơn Bình Phước khoảng 100 người, Tây Ninh 80 người.
Trong khi đó, dân số Bình Dương cao gấp nhiều lần so với các địa phương khác (khoảng 2,7 triệu người).
Một lý do khác được đề cập là việc, ngoài hệ thống văn bản còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, cán bộ sợ sai khi thực thi nhiệm vụ nên chủ động xin nghỉ việc.
Trong khi đó, các cơ sở ngoài quốc doanh, ngoài nhà nước, chế độ đãi ngộ, mức lương hấp dẫn hơn nên nhân lực cơ sở công đều có xu hướng muốn chuyển công tác.
Hiện, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ và giữ chân nhân lực nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để cán bộ, công chức, viên chức ở lại cống hiến.
Kiến nghị
Do đó, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ sớm triển khai chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài vào cơ quan Nhà nước.
UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Trung ương rà soát, cân đối lại biên chế giữa các địa phương, nhất là các địa phương có dân số cơ học tăng nhanh, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao như Bình Dương.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Võ Thị Tuyết Thu bày tỏ, Bình Dương và một số tỉnh, thành có nhiều cán bộ công chức, viên chức từ khu vực công chuyển sang tư, đây là vấn đề được dư luận quan tâm, tạo bất ổn trong quản lý khu vực công.
Do đó, Bộ Nội vụ có kế hoạch kiểm tra ở các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong thời kỳ mới để trình Trung ương có chính sách phù hợp.