Ý kiến chuyên gia: Argentina có thể thiệt hại nếu nói không với BRICS

MOSKVA (Sputnik) - Số phận sau này của Argentina trong quan hệ với BRICS vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu họ quyết định không gia nhập liên minh thì có thể thiệt hại về kinh tế, Giám đốc phân tích của công ty CROS Andrei Lebedev nói với Sputnik. Theo ông, mối lợi nước này có thể vuột mất sẽ đặc biệt đáng kể đối với ngành năng lượng.
Sputnik
Lời mời Argentina cũng như một số quốc gia khác trở thành thành viên BRICS từ ngày 1/1/2024 được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Johannesburg vào tháng 8 vừa qua. Chủ nhật tuần trước, ứng cử viên đối lập Javier Milei, một chính trị gia cực hữu trước đây từng nhiều lần phản đối việc Argentina gia nhập BRICS, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước này.
Sau chiến thắng, ứng cử viên cho chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Argentina, bà Diana Mondino nói với Sputnik rằng Argentina sẽ không gia nhập BRICS vào ngày 1/1, nhưng không loại trừ khả năng chính quyền mới sau này sẽ phân tích những triển vọng gia nhập nếu họ thấy việc đó lợi cho đất nước. Về phần mình, Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Argentina bất kể bối cảnh chính trị thế nào.
Ứng cử viên phản đối hợp tác với Nga thắng cử ở Argentina

"Vấn đề nợ nước ngoài có thể là nhạy cảm đối với đất nước, vì tư cách thành viên BRICS sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm nguồn tài chính mới để trang trải các khoản nợ. Đồng thời Argentina cũng đang phải đối mặt gay gắt với vấn đề nợ, đặc biệt là nợ của IMF. Ngoài ra, chính quyền Argentina trước đây hy vọng rằng tư cách thành viên BRICS sẽ giúp thu hút nguồn đầu tư đáng kể vào đất nước, tạo ra nhiều việc làm mới và giải quyết vấn đề đồng peso mất giá”, - ông Lebedev lập luận.

"Xét về các ngành công nghiệp, tổn thất chính có thể là ngành năng lượng là lĩnh vực có thể trông cậy vào vốn đầu tư từ các nước thành viên BRICS. Argentina có trữ lượng khí đá phiến đáng kể nhưng không có đủ nguồn lực để phát triển trữ lượng này, kết quả là buộc phải nhập khẩu khí đốt”, - chuyên gia nói thêm.
Argentina hiện có khoảng 21 nghìn tỷ mét khối khí đá phiến, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ về trữ lượng, bà Ekaterina Novikova, phó giáo sư Khoa Lý thuyết kinh tế của Đại học Kinh tế Nga giải thích với hãng tin.
“Một vấn đề nữa đặt ra là việc khai thác khí đốt đòi hỏi những công nghệ mà nước này hiện nay chưa có”, chuyên gia nhấn mạnh.
Thảo luận