Ai là chủ sở hữu thật của ngân hàng? Bài học từ SCB, Vạn Thịnh Phát

Thảo luận dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu đề cập đến bài toán hạn chế tình trạng thao túng tổ chức tín dụng, sở hữu chéo và bài học từ sự việc Ngân hàng SCB-Vạn Thịnh Phát.
Sputnik
Theo đó, sau vụ Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, một số đại biểu nêu ý kiến, mấu chốt vấn đề nằm ở việc phải xác định được cá nhân tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng, minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại.
Đại biểu cũng trăn trở việc can thiệp sớm ngân hàng cần phải làm sớm hơn nữa, quy định chặt chẽ, tránh để xảy ra vụ việc tương tự như SCB.

Sau vụ Vạn Thịnh Phát và SCB, đại biểu muốn làm chặt “can thiệp sớm”

Theo cổng TTĐT Quốc hội, chiều 23/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo).
Thảo luận về dự thảo luật, các đại biểu đến nay vẫn chưa thực sự yên tâm về các quy định xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dù đã được chỉnh lý khá nhiều.
Đối với vấn đề “can thiệp sớm”, báo Đầu tư dẫn lời đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi quy định can thiệp sớm tương tự như ở luật hiện hành, nhưng bổ sung thêm một số trường hợp. Chẳng hạn, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán (theo luật hiện hành thì trường hợp này phải kiểm soát đặc biệt).
Dù vậy, các quy định tại Dự thảo chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống cần phải được hỗ trợ, chưa thể hiện đúng bản chất của can thiệp sớm, đại biểu lưu ý.
Tất cả thành viên đoàn thanh tra SCB đều nhận hối lộ
Theo đó, tại Điều 156 có quy định, trong các trường hợp áp dụng can thiệp sớm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có 4 dạng tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.
Cụ thể, 4 dạng đó bao gồm: không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 6 tháng liên tục; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như trường hợp Ngân hàng SCB); có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng kiến nghị, cần rà soát và làm rõ nội hàm của việc “can thiệp sớm” nhằm đề xuất các quy định tương ứng phù hợp, bao gồm các dấu hiệu, biện pháp can thiệp sớm và trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo ông Đồng, can thiệp sớm cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không quá dài.
Trong khi đó, theo quy định tại Dự thảo Luật, thời gian để thực hiện quy trình thủ tục can thiệp sớm tại một số trường hợp còn khá dài. Điều này có thể làm tổn hại đến sự lành mạnh trong hoạt động của tổ chức tín dụng, hoặc gây nguy hại đến lợi ích của người gửi tiền.
Ngoài ra, nó còn có thể khiến tổ chức tín dụng bị đánh giá là có khả năng gặp khó khăn về thanh khoản, khó khăn với các nghĩa vụ tài chính hoặc đang bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn...
Người duy nhất không nhận quà khi SCB bị thanh tra
Theo ông Đồng, thực tiễn quốc tế cho thấy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém của Mỹ, Thụy Sỹ vừa qua được thực hiện rất nhanh chóng.

“Không để xảy ra trường hợp như ở SCB”

Về phần mình, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo đã có những chỉnh lý rất lớn và cần thiết, nhưng lại “không quan trọng lắm”.
“Cốt lõi là Ngân hàng Nhà nước giám sát, quan tâm các ông chủ ngân hàng là doanh nghiệp lớn hiện nay. Không để xảy ra trường hợp như ở SCB được”, - báo Đầu tư dẫn lời đại biểu Phạm Văn Hoà.
Theo ông, cần có sự giám sát với các ông chủ ngân hàng là doanh nghiệp, đặc biệt là các cổ đông của các ngân hàng này.
“Có khi người ta nghĩ rằng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng này không đến tay của doanh nghiệp, người vay vì vay thì rất khó khăn, nhưng ông chủ, cổ đông của các ngân hàng thì vay rất dễ dàng. Tình hình này nếu không kịp thời ngăn chặn khả năng xảy ra SCB như chơi”, - vị đại biểu đoàn Đồng Tháp lo ngại.
Việt Nam phát lệnh truy nã, kêu gọi 7 cựu lãnh đạo ngân hàng SCB ra đầu thú
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn vì theo thông tin ông có được thì hiện nay, có ngân hàng của các ông chủ doanh nghiệp, cần phải xem xét thật kỹ để đảm bảo. Đại biểu Hoà cho biết, đừng nói hạn mức cấp tín dụng giảm xuống 10% hay 15%. Ví dụ nếu cho phép 10% nhưng mấy chục cổ đông vay 10% thì cộng lại là bao nhiêu tiền rồi. Việc họ hè nhau rút tiền cùng một lúc là rất nguy hiểm. Đại biểu đề nghị phải quan tâm chú ý lĩnh vực này.
“Báo cáo Thống đốc Ngân hàng, tôi rất quan tâm việc này. Không khéo ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền để chi cho những đối tượng này là không nên, không chấp nhận được”, - Thanh Niên dẫn phát biểu của ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Ngăn ông bầu, madam đứng sau các ngân hàng

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định, vụ SCB vừa qua và thực trạng hiện nay đã cho thấy 3 vấn đề lớn tạo nên những rủi ro cấp bách, cần phải nhận diện để xử lý triệt để. Cụ thể, 3 vấn đề đó là sở hữu chéo, chi phối và thao túng tổ chức tín dụng.
“Tôi cho rằng, sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, giảm hạn mức cấp tính dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ…, tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình. Theo tôi là không hiệu quả”, - đại biểu Trịnh Xuân An phân tích.
Theo ông An, mấu chốt vấn đề là phải xác định được cá nhân tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Chính vì vậy, luật cần phải xây dựng được quy định để xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động ngân hàng.
Từ lập luận trên, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần quy định 2 vấn đề cụ thể. Thứ nhất, phải minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Cần xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (bao gồm tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể.
7 cựu lãnh đạo SCB bị truy nã: Ngân hàng SCB vẫn hoạt động ổn định
Thứ hai, phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

“Chỗ này quy định hết sức cụ thể liên quan dòng tiền vì dòng tiền không phải tự nhiên nó có. Nó phải từ đâu đó, từ cá nhân nào đi. Vụ Vạn Thịnh Phát cho ta thấy một bài học như vậy”, - TTXVN dẫn lời ông An dẫn chứng.

Do đó, vị đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị cân nhắc giữ quy định như hiện hành về tỷ lệ sở hữu cổ phần và giới hạn cấp tín dụng.
Cũng theo ông An, việc xác định lộ trình như đề xuất của Chính phủ chưa được thuyết phục và cần phải đánh giá thêm.
“Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và giảm hạn mức cấp tín dụng sẽ tạo sự xáo trộn không cần thiết và gây ra đột biến không hay với nền kinh tế”, - ông Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu này cũng cho rằng, các doanh nghiệp tốt hoàn toàn có thể cho vay với tỉ lệ cao.
Về vấn đề đang được đề cập nhiều là chuyện nhờ người khác đứng tên, ông An nhận xét, việc dự thảo luật quy định cổ đông “không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật” vẫn còn chung chung.
Từ vụ trái phiếu SCB-Vạn Thịnh Phát có diễn biến mới, trái chủ sắp lấy lại được tiền?
Trong khi đó, việc nhờ đứng tên được thấy rất rõ qua vụ SCB vừa qua. Tuy nhiên, quy định như dự thảo sẽ rất khó xử lý.
“Thế nào là góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác? Quy định này sẽ được triển khai trong thực tế như thế nào? Tôi đề nghị quy định rất cụ thể để có cơ sở, phương pháp phòng ngừa đặc biệt trước những ma trận mà ta hay gọi một cách mỹ miều là hệ sinh thái do các ông bầu, madam đứng sau các ngân hàng sau tạo dựng nên”, - đại biểu đoàn Đồng Nai kiến nghị.
Thảo luận