Bộ Công Thương vừa đề xuất Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Theo đó, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có thể sẽ rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc (theo đề xuất của EVN và tư vấn), nhưng thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể:
Bậc 1 áp dụng cho 100 kWh đầu tiên với giá điện là 1.806,11 đồng/kWh.
Bậc 2 áp dụng cho kWh từ 101 - 200 với giá điện là 2.167,33 đồng/kWh.
Bậc 3 áp dụng cho kWh từ 201 - 400 với giá điện là 2.729,23 đồng/kWh
Bậc 4 áp dụng cho kWh từ 401 - 700 với giá điện là 3.250,99 đồng/kWh
Bậc 5 áp dụng cho kWh từ 701 trở lên với giá điện là 3.612,22 đồng/kWh
Theo Bộ Công Thương, việc đề nghị tăng mức điện tính theo tháng giá bậc 1 lên 100 kWh để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.
Ngoài rút gọn số bậc thang, ở lần chỉnh sửa này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện.
Trong đó, đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.
Như vậy, theo Bộ Công Thương mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.
Bên cạnh đó, giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch sẽ được tính bằng giá cho sản xuất. Việc này nhằm tính đúng, đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất. Nhóm khách hàng đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ bổ sung bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, chiếu sáng công cộng.
Tương tự bản dự thảo hồi tháng 7, Bộ Công Thương cũng đưa ra giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp (giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm). Vì theo Bộ này, hoạt động sạc xe điện là mục đích sử dụng điện mới cần được bổ sung tại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.