Bị “chê” năng lực quản lý, Ban Giao thông TP.HCM nói thẳng

Sở GTVT TP.HCM cho biết, Ban Giao thông TP.HCM đang làm chủ đầu tư 162 dự án và giám sát 8 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng số nhân lực 239 người, trung bình chưa đến hai người quản lý một dự án.
Sputnik
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã có ý kiến phản hồi nêu quan điểm không đồng tình với một số nội dung trong văn bản 12456 ngày 16/10 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và cho rằng, nhiều nhận định, kết luận chưa khách quan, chưa phù hợp, dễ gây ra hiểu nhầm là mọi chậm trễ hiện nay đều có nguyên nhân từ Ban Giao thông.

Tồn tại nhiều bất cập

Trước đó, theo thông tin trên báo Giao thông, từ yêu cầu của Sở nội vụ, Sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo khẩn về việc đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của Ban Giao thông nhằm kiện toàn hoặc có phương án sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thời gian tới để ưu tiên tập trung nhiều dự án có quy mô lớn.
Theo văn bảo 12456 của Sở GTVT thành phố hôm 16/10, hiện nay, Ban Giao thông đang được giao làm chủ đầu tư 162 dự án và thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án PPP.
Trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C. Khối lượng công việc quản lý là rất lớn nhưng viên chức và người lao động hiện chỉ có 239 người. Trung bình chưa đến 2 người quản lý một dự án.
Sở GTVT lưu ý, với mô hình, số lượng quản lý dự án như hiện nay, Ban Giao thông còn “tồn tại nhiều hạn chế, bất cập”.
Đường quan lộ thần tốc của Giám đốc Sở GTVT: Chủ tịch Bắc Ninh nói đúng quy trình
“Hiện nay Ban Giao thông có 10 Ban Điều hành dự án quản lý hơn 162 dự án, nhưng đặc điểm các Ban Điều hành lại không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền, chức năng để phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan”, - Tiền phong cho biết.
Bên cạnh đó, còn có bất cập của Ban Giao thông còn ở giai đoạn chuẩn bị dự án: công tác tham mưu chuấn bị dự án chất lượng chưa cao, có khi, có lúc gián đoạn làm giảm hiệu quả đầu tư.
Cùng với đó, trong các giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án mà Ban Giao thông phụ trách tồn tại hạn chế, thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.

Vấn đề năng lực

Trên báo Pháp luật TP.HCM cũng dẫn ý kiến của Sở GTVT nêu dẫn chứng, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, rằng, ngày 17/12/2021, UBND TP giao Ban Giao thông là đơn vị chuẩn bị dự án, tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, báo cáo của Sở nêu rõ.
Giai đoạn thực hiện dự án, vẫn còn tồn tại hạn chế, thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư. Như đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là các dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, liên quan nhiều ngành lĩnh vực, nhiều chủ thể tham gia, chủ đầu tư chưa kịp thời nhận diện được các vấn đề phức tạp, khó khăn để chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền tháo gỡ.
Ngoài ra, tại các cuộc họp do lãnh đạo Sở GTVT TP chủ trì, nhiều cuộc họp lãnh đạo Ban Giao thông không sắp xếp được thời gian tham dự để có ý kiến giải quyết ngay tại cuộc họp mà chỉ cử lãnh đạo Ban Điều hành dự án tham dự.
“Do đó, tiến độ giải quyết các công việc phát sinh còn chậm, chưa kịp thời được tháo gỡ”, - PLO dẫn báo cáo Sở nêu.
Hôm nay Sở GTVT TP.HCM bị kiểm tra sau vụ xe Thành Bưởi gây tai nạn
Sở GTVT nêu quan điểm, TP.HCM là đô thị đặc biệt nên công tác quản lý dự án liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và có tính đặc thù như: quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị; quản lý trật tự đô thị; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất khó khăn phức tạp.
“Do đó, đòi hỏi cán bộ quản lý dự án phải có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm, năng lực quản lý và kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án”, - Sở cho biết.
Tuy nhiên, với việc tăng thêm quy mô và số lượng dự án trong thời gian tới, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án chuyên ngành như Ban Giao thông hiện nay sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án, rất khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án và không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, về chức năng - nhiệm vụ, Ban Quản lý dự án sẽ làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án chuyên ngành giao thông vận tải có quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các dự án khác thuộc chuyên ngành giao thông vận tải sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách ngoài đầu tư công khi được giao.
Trong khi đó, về tổ chức, bộ máy Ban Ban Quản lý dự án gồm lãnh đạo Ban, các phòng chức năng, nghiệp vụ như văn phòng, phòng kế hoạch - tổng hợp, phòng kỹ thuật - thẩm định, phòng tài chính - kế toán và khối điều hành dự án là các ban điều hành dự án.
Nhân sự của Ban Quản lý dự án được điều động từ nguồn nhân sự đang quản lý một số dự án quy mô lớn, các đơn vị trực thuộc Sở GTVT, các ban quản lý dự án khu vực của quận, huyện và từ nguồn tiếp nhận, tuyển dụng mới.

Phản hồi của Ban Giao thông

Sau khi nhận ý kiến đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, Ban Giao thông đã có văn bản gửi Sở Nội vụ TP.HCM phản hồi ý kiến.
Theo Tiền phong, Ban Giao thông bày tỏ chưa đồng tình với một số nội dung do Sở GTVT TP.HCM báo cáo.
Ban Giao thông cho rằng Sở GTVT đã sử dụng nhiều số liệu, nhận định chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất sự việc... dẫn đến nhiều nhận định, kết luận chưa khách quan, chưa phù hợp.
“Cách nhận định trên sẽ dễ gây ra ngộ nhận là mọi chậm trễ hiện nay đều có nguyên nhân từ Ban Giao thông. Việc triển khai dự án trong 2 năm qua có rất nhiều nguyên nhân làm tiến độ kéo dài, như phải tính toán lại dự án với quy mô dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thay đổi từ 4 làn xe hạn chế lên 4 làn xe hoàn chỉnh theo chủ trương mới”, - Ban Giao thông thẳng thắn.
Thông tin lý giải, Ban Giao thông cho hay, tuy tổng số lượng dự án ban được giao làm chủ đầu tư là 162 dự án nhưng trong đó đã bao gồm 67 dự án đã và đang quyết toán hoàn thành, 24 dự án đang chuẩn bị đầu tư nên nhiệm vụ.
Việt Nam làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đề xuất sửa luật
Công tác trọng tâm trên thực tế chỉ tập trung vào 71 dự án, bao gồm 23 dự án đang trực tiếp thi công và 48 dự án đang tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng và hiện nay.
“Nếu cập nhật đặc điểm thực tế của các dự án Ban đang quản lý thì con số này sẽ là 10 người quản lý một dự án đang triển khai (239 người chia cho 23 dự án đang triển khai”, - Ban Giao thông nói.
Ngoài ra, Ban Giao thông cũng không đồng ý nhận định của Sở GTVT TP.HCM cho rằng Ban Điều hành dự án của Ban Giao thông không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền.
Đơn vị này cho biết, theo quy định và yêu cầu về tinh gọn tổ chức, bộ máy các cơ quan nhà nước, mỗi Ban chỉ có 1 Ban giám đốc và các Ban Điều hành dự án trực thuộc và với giải pháp phân cấp, phân quyền tối đa cho các trưởng ban trực thuộc, các đơn vị này vẫn có thể chủ trì làm việc, phối hợp hàng ngày với các địa phương...
Trường hợp khá đặc biệt của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Ban Giao thông đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Ban Quản lý dự án chuyên ngành nếu được thành lập theo kiến nghị của Sở GTVT TP.HCM sẽ khắc phục bất cập này như thế nào? Mỗi Ban Điều hành dự án trực thuộc sẽ có con dấu riêng, kế toán riêng...để đủ thẩm quyền giao dịch với các địa phương?”.
Do đó, Ban Giao thông thống nhất là cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông nhưng không đồng ý cách lựa chọn các thông tin, dữ liệu, phân tích, nhận định của Sở GTVT vì các lý do như đã nêu trên
Ban này cũng nhấn mạnh, trong trường hợp UBND TP, Sở GTVT TP.HCM nhận thấy trong những năm sắp tới cần có thêm một Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc UBND TP.HCM, Ban Giao thông đề xuất Ban Quản lý dự án giao thông mới sẽ có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban Giao thông hiện nay.
Đồng thời sẽ có thêm nhiệm vụ quản lý các dự án giao thông triển khai theo phương thức PPP và các dự án mang tính thí điểm, đột phá về cơ chế trên tinh thần Nghị quyết 98.
Thảo luận