Báo Người lao động dẫn dự báo của một chuyên gia nước ngoài cho rằng, giá vàng thậm chí có thể lên tới gần 90 triệu đồng/lượng trong năm sau. Liệu dự báo này có thể thành sự thật?
Vàng tăng dựng đứng
Theo báo Dân trí, sáng ngày 25/11, giá vàng miếng SJC tại các cửa hàng lớn ở Hà Nội được niêm yết ở 71,1-72,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng ở chiều mua nhưng tăng đến 300.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Con số chênh lệch 2 chiều mua - bán đã lên tới 1 triệu đồng, sau nhiều ngày duy trì ở mức 800.000 đồng.
Sáng nay, giá vàng nhẫn niêm yết mức ở 60,2-61,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng nhẹ 50.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán so với giá chốt phiên ngày hôm qua.
Với vàng nhẫn, chênh lệch 2 chiều mua bán được nới rộng lên 1,2 triệu đồng. Giá vàng nhẫn tăng nhanh đã gây chênh lệch với giá thế giới là 2,5-3,2 triệu đồng mỗi lượng.
Trước đó, giá vàng thế giới sau khi vượt mốc 2.000 USD/ounce giao ngay đã có giảm nhưng sau đó nhanh chóng quay lại mốc này. Ngày 25/11, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.002 USD/ounce. Kim loại quý quốc tế thấp hơn giá vàng miếng khoảng 13 triệu đồng.
Đây là tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp của vàng. Đà tăng này được cho là có nguyên nhân từ sự suy yếu của đồng USD, khi các nhà phân tích tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất việc tăng lãi suất.
Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi trước đó đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư rằng lãi suất đã đạt đỉnh và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất từ giữa năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực với vàng bởi kim loại quý này vẫn được xem là công cụ phòng ngừa lạm phát. Lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng, sản phẩm vốn không mang lãi suất.
Báo Dân trí dẫn đánh giá của ông Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại sàn giao dịch trực tuyến FXTM cho rằng, vàng đã chuyển sang chế độ chờ khi các nhà đầu tư đang mong đợi có thêm manh mối về triển vọng chính sách tiền tệ của Fed.
Trong thời gian gần đây, vàng đã giao dịch gần mức 2.000 USD/ounce và vẫn đang cần một chút "chất xúc tác" để tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Giá vàng có thể lên 90 triệu đồng/lượng?
Theo báo Người lao động, giữa lúc giá vàng quốc tế liên tục tăng cao, ông Dominic Frisby, Giám đốc Công ty phân tích thị trường The Flying Frisby, đã đưa ra dự báo sốc rằng giá vàng thậm chí có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce (gần 90 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỉ giá niêm yết) vào năm 2024.
Lý do để ông Dominic Frisby đưa ra dự báo nói trên là việc Trung Quốc liên tục tăng mua vàng dự trữ trong thời gian qua. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc đã tăng mua vàng dự trữ trong 12 tháng qua.
Riêng tháng 10/2023, đất nước tỉ dân này đã mua thêm khoảng 23 tấn, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 2.215 tấn.
Về điều này, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, dự báo mà ông Dominic Frisby đưa ra chỉ dựa trên quan điểm của riêng ông, còn trong thời gian ngắn, giá vàng rất khó đạt tới mốc cao như vậy.
Theo ông Phương, để giá vàng đạt đến mốc 3.000 USD/ounce, phải cần ít nhất 10 năm nữa, thậm chí là trong 20 năm. Trước đó, năm 2011, giá vàng thế giới đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 1.910 USD/ounce nhưng sau đó giảm về 1.700 USD/ounce… Sau hơn 10 năm, giá vàng thế giới cũng chỉ dao động 1.900 - 2.000 USD/ounce.
"Để có thể đạt tới mốc 3.000 USD là rất khó xảy ra, điều kiện là lạm phát trên thế giới phải tăng mạnh", - báo Người lao động dẫn lời chuyên gia Trần Duy Phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, nhận định cần nhìn nhận dự báo giá vàng tăng sốc căn cứ trên cơ sở nào. Lý do, bất kỳ chuyên gia nào cũng có thể đưa ra nhận định về giá vàng trong năm 2024 và tình huống nào cũng có thể xảy ra. Dù vậy, tất cả chỉ mang tính chất tham khảo.
Theo ông Trọng, việc chuyên gia quốc tế dự báo giá vàng tăng sốc là do Trung Quốc tăng mua thì cần nhìn rộng ra là nước này tăng mua thì ai bán. Bởi nếu nhu cầu Trung Quốc lớn hơn nguồn cung nhiều thì giá vàng đã tăng rất mạnh rồi.
Đó là chưa kể nhu cầu vàng vật chất cho mục đích trang sức, mỹ nghệ vẫn đang ở mức thấp nhất trong khoảng 15 năm qua. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác vàng trên thế giới cũng không sụt giảm nhiều.
“Do đó, việc Trung Quốc tăng mua vàng chưa hẳn phản ánh hết bức tranh thị trường để nhận định giá vàng có thể tăng sốc lên 3.000 USD/ounce”, - ông Trọng đưa ra nhận xét về dự báo của ông Dominic Frisby.