Đại tướng Phan Văn Giang: Chế tạo vũ khí là cực kỳ khó khăn và rủi ro

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ, đặc thù của ngành nghiên cứu, chế tạo vũ khí là cực kỳ khó khăn và rủi ro.
Sputnik
Thậm chí, Chính phủ đã phải ban hành nghị định riêng cho Viettel thì tập đoàn mới thu hút được nguồn nhân lực, mới có được con người và có được Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội như hiện nay.

Chú trọng đảm bảo an ninh biển

Chiều 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với đa số ý kiến các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu trở thành cường quốc biển nên cần chú trọng đảm bảo quốc phòng an ninh trên biển.
Báo SGGP dẫn lời đại biểu Tạ Đình Thi lưu ý, để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, dự thảo Luật cần nêu rõ nguyên tắc ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
“Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển”, - đại biểu nhắc lại.
Lời đanh thép của Bộ trưởng Phan Văn Giang cho thấy một Việt Nam rất khác
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển.
“Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước”, - ĐB Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị, xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển đảo, các khu đô thị, kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng biển đảo.

Khuyến khích phát triển tàu ngầm mini, phương tiện bay cá nhân

Đại biểu Đinh Văn Thê (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đề cập đến vấn đề phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng. Ông đánh giá đây là chủ trương rất đúng của Đảng nhưng đề nghị làm rõ khái niệm và nội hàm của tính lưỡng dụng.
Đại biểu Thê lưu ý thêm về việc đối với các sản phẩm đặc thù vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, vừa phục vụ dân sinh như máy bay, tàu thủy cao tốc, tàu ngầm, máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, ông đề nghị cần có quy định về việc liên doanh, liên kết, thẩm quyền phê duyệt, chế độ, chính sách đặc thù.
Thượng tướng Phan Văn Giang nói về chính sách quốc phòng Việt Nam và Biển Đông
Vị đại biểu bày tỏ, thời gan qua, nhiều tổ chức, cá nhân phát triển tàu ngầm mini, tàu lặn, tàu cao tốc, phương tiện bay cá nhân... Nếu thành công, đây là sản phẩm rất hữu ích, vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.
“Đây là sản phẩm lưỡng dụng, đặc thù”, - đại biểu đề nghị Luật cần có quy định cụ thể vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đóng góp nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như củng cố quốc phòng, an ninh, vừa quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Đối với việc xây dựng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước trong tình hình mới, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Ông Thê cho hay, luật cần xác định rõ phương thức liên kết, hợp tác, phân công, chuyên môn hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu, sản xuất các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia liên kết này.

Cần chế độ lương, thưởng đặc thù

Góp ý, đại biểu Khuất Việt Dũng (Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) đồng ý về chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh trong dự thảo luật.
Vị đại biểu đánh giá, những cơ chế này tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, tự chủ trong phát triển sản phẩm công nghiệp quốc phòng của đất nước.
Dự thảo cũng đã bổ sung cơ chế thu hút trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; cơ chế giao nhiệm vụ chỉ định thầu, chỉ định nhà cung cấp trong sản xuất, mua sắm, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù cần rõ hơn, mạnh dạn hơn.
Việt Nam dần tự sản xuất vũ khí, thu phục nhân tài từ Lockheed Martin
“Đây là chìa khóa tạo nên đột phá cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”, - Vnexpress dẫn phát biểu của ông Khuất Việt Dũng bày tỏ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo ưu tiên chính sách thu hút, đãi ngộ đặc biệt cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học trình độ cao; nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu; đội ngũ kỹ sư giỏi; chuyên gia đầu ngành về công nghệ, tổ chức quản lý, sản xuất quân sự; kỹ thuật viên và thợ bậc cao về bí quyết công nghệ quốc phòng, an ninh.
Bà Xuân đề nghị bổ sung chính sách đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước cho nguồn nhân lực; đầu tư, nâng cao chất lượng các trường đại học, học viện, các viện, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ quốc phòng, an ninh.
Theo vị đại biểu, cần có cơ chế để tuyển thẳng và ưu đãi cao hơn cho học sinh giỏi từ THPT, sinh viên các trường đại học thuộc ngành nghề đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Bảo đảm cho bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu.
Trong đó, về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh và chính sách hỗ trợ động viên công nghiệp, cho rằng những vấn đề này cần tổ chức thực hiện ngay từ trong thời bình; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi xây dựng các cơ sở công nghiệp.

“Chúng ta xác định đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trên thế giới cho thấy kết quả này làm rất tốt”, - TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Phan Văn Giang nói.

Vũ khí mới của Nga sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong quân đội Việt Nam
Về đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang, còn gọi là công nghiệp dân sinh-ngành công nghiệp chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Đại tướng cho biết:
“Để có kiểm nghiệm thì chúng ta cần chuẩn bị trước từ thời bình, thực hiện động viên công nghiệp ngay trong thời bình để khi xảy ra tình huống thì có thể triển khai thực hiện được luôn. Thực tế hiện nay đang có hệ thống cơ sở động viên công nghiệp rồi”, - báo QĐND dẫn phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang cho hay.
Ngoài việc bảo đảm để sản xuất trong công nghiệp, cơ sở động viên công nghiệp có thể sửa chữa, sản xuất những sản phẩm mà công nghiệp quốc phòng có thể chuyển giao, độ mật không cao, có thể lắp lẫn hoặc đơn lẻ, không thành một sản phẩm công nghiệp quốc phòng
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần xác định rõ phương hướng, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Chuyên gia Nga: Việt Nam có được vũ khí đáng tin cậy là tên lửa hành trình BrahMos
“Đất nước của chúng ta là đất nước làm giàu từ biển thì công nghiệp quốc phòng không phải chỉ có lục địa. Chúng tôi sản xuất tất cả các loại vũ khí, trang bị bảo đảm cho bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, - người đứng đầu Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Chế tạo vũ khí "là cực kỳ khó khăn và rủi ro

Trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội về chính sách thu hút nhân tài trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dẫn chứng ví dụ của Viettel và cho biết, phải có một nghị định riêng của Chính phủ mới thu hút được nguồn lực, có được con người và có Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội như hiện nay.
Ông nhắc lại, phải có chính sách lương, thưởng, nhà ở; khen thưởng, ghi nhận, phong tặng các chức danh khoa học và có chính sách hậu phương quân đội để thu hút người tài vào làm việc.
Bộ trưởng nêu, đặc thù của ngành nghiên cứu, chế tạo vũ khí "là cực kỳ khó khăn và rủi ro".
Việt Nam đã làm chủ công nghệ lõi, sẽ sản xuất thêm nhiều vũ khí mới cho Lục quân
“Thử nghiệm một quả bom, một quả tên lửa hoặc một loại vũ khí mới phải sẵn sàng tình huống nổ không đúng, phát nổ khi chưa rời khỏi nòng súng, bệ phóng, dù đúng quy trình. Vũ khí, trang bị "có những thứ thử chục lần, có khi vài chục lần, thậm chí phải thay đổi cả quy trình công nghệ". Vì vậy, để thu hút nhân tài khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực đặc thù như quân sự "đòi hỏi các chế độ, chính sách tuyển dụng, đào tạo tương ứng”, - Bộ trưởng thẳng thắn.
Dự thảo luật quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được hưởng chính sách đặc thù về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, tuyển chọn và chính sách trả lương, chế độ ưu đãi người lao động. Các đơn vị này được hạch toán chi phí đãi ngộ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
Đại tướng Phan Văn Giang nhắc lại, thời gian tới, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhất là về các nhóm nội dung như cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; vai trò nguồn vốn ngân sách nhà nước; bảo đảm bí mật quân sự, bí mật Nhà nước; các cơ chế chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thảo luận