Tại buổi gặp mặt, bà con người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ vui mừng trước bước phát triển vượt bậc và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước, cũng như quan hệ tốt đẹp và không ngừng được vun đắp giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, bà con bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bà con người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà con mong muốn Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách và nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để bà con có nhiều cơ hội hơn đóng góp cho quê hương, có thêm nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ở sở tại, giúp bà con tự tin hơn trong cuộc sống, học tập, công tác, làm việc…
Đáp lại tình cảm của cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động, gửi lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm ấm áp, tốt đẹp nhất tới toàn thể bà con đang sinh sống, lao động, học tập, công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn với khoảng 6 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 600.000 người là chuyên gia, trí thức.
Đánh giá cao, chúc mừng sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tiếp tục sinh sống, làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, hội nhập sâu vào sở tại, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như quan hệ hữu nghị hai nước và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh "trông chờ cả vào các cơ quan đại diện Việt Nam ở đây, cụ thể là đại sứ, cơ quan đại sứ quán", đề nghị đại sứ quán, với tất cả thủ tục giấy tờ liên quan pháp lý, cố gắng làm sao đơn giản nhất cho bà con.
Bà con tại Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại nhiều nơi khác nhau, nên Thủ tướng yêu cầu sứ quán cần cải tiến thuận lợi nhất. Đơn cử như vừa xảy ra động đất hồi tháng 2, phải có chỗ liên hệ nắm tình hình báo về cho bà con cô bác trong nhà. Lập cơ sở dữ liệu bà con sinh sống làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Phải xem công việc của bà con như công việc của gia đình mình, tránh sách nhiễu. Phiền hà, tiêu cực là phải nghiêm cấm. Bà con cô bác mình phải giám sát việc này, cái gì tiêu cực thì phải lên án, loại bỏ, báo cáo. Chứ lúc tối lửa tắt đèn, cần sứ quán mà chẳng thấy đâu thì rất nguy hiểm", Thủ tướng đề nghị.
Thông báo với bà con về tình hình trong nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết, là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu thiệt hại nặng nề và gặp nhiều khó khăn trong quá trình khôi phục thiệt hại sau chiến tranh.
Sau hơn 36 năm đổi mới, Việt Nam đã được nhiều thành tựu to lớn, có tính chất lịch sử. Năm 2022, Việt Nam có quy mô nền kinh tế đạt trên 409 tỷ USD tăng gấp 10 lần so với năm 2000, GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD; nằm trong top 20 nước dẫn đầu thế giới về kim ngạch xuất nhập khẩu (732,5 tỷ USD); giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đứng thứ 32 trên top 100 giá trị thương hiệu quốc gia. Vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thế giới. Người Việt Nam đi đâu trên trái đất này đều có quyền tự hào là người Việt Nam.
"Vừa qua tôi dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Mỹ, mới thấy giá trị dân tộc Việt Nam mang lại. Thế giới khâm phục vì những nước từng đụng độ đến giờ đều thiết lập quan hệ đối tác. Bây giờ đi đâu chúng ta cũng có quyền ngẩng đầu nói là người Việt Nam. Chúng ta tự hào là người Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho rằng, bà con là người hiểu hơn ai hết điều này.
Thủ tướng cho biết đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp và công nhận quy chế thị trường đầy đủ của Việt Nam, ký kết FTA để mở ra cơ hội làm ăn tốt hơn. "Quan hệ hai nước tốt thì điều kiện anh em ở đây sẽ tốt", Thủ tướng nói và cho biết đã đề nghị thay đổi chính sách visa giữa 2 nước để tạo thuận lợi cho bà con.