Theo Bộ Xây dựng, nhóm ngành này hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành cả trong và ngoài nước.
Để gỡ khó cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỉ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.
Các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.
Và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành triển khai thực hiện hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài việc thực hiện nghị quyết 101 năm 2023 của Quốc hội về thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Sửa đổi nghị định 26 năm 2023 cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker, giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025.
Giảm thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chế biến sâu như: xuất khẩu cấu kiện bê tông cốt thép, bê tông khí chưng áp, phụ gia khoáng cho bê tông/xi măng từ phế thải công nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xem xét giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (có thể giảm đến 2%) cho đến hết năm 2025.
Tiếp tục gia hạn, không tính lãi đối với các khoản nợ quá hạn và tái cơ cấu nợ vay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước sức ép từ các sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu tăng mạnh từ năm 2021 đến nay, Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu từ một số nước để áp thuế chống bán phá giá khi cần thiết.
Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Vật liệu xây dựng Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Bê tông Việt Nam, Thép Việt Nam, Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Kính và Thủy tinh xây dựng Việt Nam, Tấm lợp Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đã đồng loạt kêu cứu vì sản lượng giảm, tiêu thụ khó.