Việt Nam sắp thành cứ điểm sản xuất iPad cho Apple?

Việt Nam được cho là sắp trở thành cứ điểm sản xuất iPad quan trọng của gã khổng lồ xứ Cupertino – Apple.
Sputnik
Cụ thể, BYD của Trung Quốc đang giúp Apple – gã khổng lồ công nghệ Mỹ – chuyển dịch nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam, theo Nikkei Asia.
Theo chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực đa dạng hóa của các ông lớn ngành thiết bị công nghệ thế giới.

Apple phân bổ nguồn lực phát triển iPad cho Việt Nam

Theo Nikkei, Apple đã lần đầu tiên phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam, một bước tiến quan trọng nhằm củng cố vị thế của quốc gia Đông Nam Á này như một trung tâm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.
“Apple đang hợp tác với BYD của Trung Quốc, một nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển các nguồn lực trong quy trình giới thiệu sản phẩm mới (New Product Introduction hay NPI) sang Việt Nam”, - Nikkei cho hay.
NPI bao gồm việc một công ty công nghệ như Apple cộng tác với các nhà cung cấp về thiết kế và phát triển sản phẩm mới nhằm đảm bảo các bản thiết kế có thể thực hiện được.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho một thiết bị có tầm quan trọng cốt lõi như vậy.
Khẳng định với Nikkei Asia, các nguồn tin cho biết, quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2/2024. Mô hình này sẽ có sẵn vào nửa cuối năm tới.
Đối tác của Apple đầu tư thêm 330 triệu USD mở rộng sản xuất ở Việt Nam
BYD cũng là nhà cung cấp đầu tiên của Apple giúp gã khổng lồ công nghệ Mỹ chuyển dây chuyền lắp ráp iPad lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 2022, như Nikkei đã đưa tin trước đó. Sự thay đổi nguồn lực kỹ thuật NPI tập trung vào các mẫu máy cấp thấp hơn là mẫu iPad Pro cao cấp.
NPI đòi hỏi nguồn lực đáng kể từ cả công ty công nghệ và nhà cung cấp của nó, chẳng hạn như lực lượng kỹ sư và các khoản đầu tư vào thiết bị phòng thí nghiệm để thử nghiệm các tính năng và chức năng mới.
Hiện, hầu hết NPI của Apple được thực hiện tại Trung Quốc, với sự hợp tác của các kỹ sư ở Cupertino, nhằm mục đích tận dụng kinh nghiệm sản xuất phần cứng kéo dài hàng thập kỷ của đất nước này.
Tuy nhiên, hàng loạt bất ổn về địa chính trị đang buộc công ty phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận này. Apple cũng có kế hoạch chuyển một số quy trình NPI cho iPhone tới Ấn Độ.

Vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam với Apple

Dữ liệu IDC cho thấy Apple là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, với thị phần 36,6% trong 3 quý đầu năm 2023.
Theo Counterpoint Research, chỉ có khoảng 10% tổng số iPad được sản xuất tại Việt Nam trong năm nay nhưng phần lớn vẫn ở Trung Quốc.

“Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc”, - báo cáo chỉ rõ.

Apple - gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino - đã yêu cầu các nhà cung cấp đảm bảo công suất cho gần như tất cả các sản phẩm của mình (ngoại trừ iPhone), từ AirPods và MacBook đến Apple Watch và iPad, tại quốc gia Đông Nam Á này.
Apple Pay ra mắt tại Việt Nam, loạt ngân hàng hỗ trợ liên kết
Các chuyên gia và giám đốc điều hành cho biết, việc có nguồn lực NPI ở nước ngoài có nghĩa là các trung tâm ngoài Trung Quốc sẽ trở thành cơ sở sản xuất thay thế thực sự.
“Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và mang tính chiến lược trong sản xuất, là điểm tập kết và có khả năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo”, - Ivan Lam, nhà phân tích công nghệ tại Counterpoint Research, khẳng định.
Theo ông, bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple đã chứng minh khả năng của các cơ sở sản xuất tại Việt Nam trong việc sản xuất iPad và mở rộng quy mô sản xuất.
“Với điều kiện sản xuất đã hoàn thiện như hiện nay và độ khó trong việc sản xuất iPad đã giảm bớt, kể cả quy trình mô-đun hóa và NPI trong bối cảnh địa phương của Việt Nam, việc điều này trở thành hiện thực chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, ban đầu Việt Nam sẽ ưu tiên cho các mẫu sản phẩm phi chuyên nghiệp”, - ông nói thêm.
Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng của IDC, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ nỗ lực đa dạng hóa của ngành thiết bị công nghệ, bao gồm không chỉ máy tính bảng mà cả máy tính cá nhân, vốn thậm chí còn được sản xuất theo quy trình phức tạp hơn.
Sau Apple và Dell, đến lượt HP chuẩn bị sản xuất máy tính tại Việt Nam
“Việc toàn bộ hệ sinh thái di chuyển cùng với các nhà lắp ráp là điều quan trọng, đặc biệt đối với máy tính xách tay, nơi có nhiều bộ phận rời rạc hơn”, - ông nói.
Còn theo ông Vincent Chen, Chủ tịch Dịch vụ Đầu tư Chứng khoán CTBC và là nhà phân tích công nghệ kỳ cựu, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung, Apple vẫn sẽ hợp tác khá chặt chẽ với các nhà cung cấp Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng.
“Tuy vậy, sau các chuyển dịch và thay đổi chiến lược quan trọng, có thể nhận thấy, Ấn Độ và Việt Nam đang nổi lên như hai hệ sinh thái sản xuất rất quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu”, -- chuyên gia Vincent Chen nhấn mạnh.
Hiện Apple và BYD vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Nikkei liên quan đến việc đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất iPad quan trọng mới.
Thảo luận