Anh Nguyễn Văn Dũng (1984), sinh sống tại TP Nam Định là người có khả năng chế tác các ngôi nhà mô phỏng theo kiến trúc Pháp cổ. Tuổi thơ anh gắn với những con phố cổ ở TP. Nam Định.
Những kiến trúc cổ của Pháp trở nên cuốn hút và dần thân thuộc với anh Dũng. Việc làm mô hình tòa nhà cổ bắt nguồn từ đam mê nghệ thuật kiến trúc cổ đã ngấm sâu vào anh từ thời ấu thơ.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
“Khi Pháp sang đô hộ, họ mang lối kiến trúc của mình sang Việt Nam. Mình được sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà cổ của Pháp ở phố Hàng Tiện (Nam Định). Những kiến trúc cổ của Pháp ảnh hưởng đến mình từ nhỏ. Nên đi đâu nhìn thấy những kiến trúc cổ của Pháp, mình thấy có gì đó rất thân thuộc như những dãy phố cổ Hàng Mâm, Hàng Song (Nam Định) vậy. Bởi vậy, mình nảy ra ý tưởng làm mô hình những tòa nhà cổ, những thứ xung hiện hữu xung quanh mình”, anh Nguyễn Văn Dung bộc bạch với Sputnik.
Hiệu thuốc Tế Mỹ Đường trên phố Trần Hưng Đạo và căn nhà cổ số 140 Hàng Tiện là hai “tác phẩm” đầu tay của anh Dũng vào năm 2019.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Bản thân anh hiện đang làm việc trong ngành kiến trúc, nên những kỹ thuật để hoàn thiện một ngôi nhà mô hình không mất quá nhiều thời gian (khoảng 2 tuần). Các bức ảnh chụp ngôi nhà cổ thường chỉ tập trung vào mặt tiền, nên anh chỉ tạo mô hình cho phần mặt tiền của các ngôi nhà "nằm trong tầm nhìn" của mình với tỷ lệ 1/35.
Anh Dũng cho biết, Formex (một loại xốp nén dễ tạo hình và dễ liên kết) là vật liệu chính để tạo khung cho mô hình. Sau đó, vẽ mô hình 3D và thiết kế bản vẽ 2D từ những chi tiết nhỏ nhất. Các chi tiết nhỏ như ô cửa sổ, lan can, cửa xếp bằng nhựa, cũng như các mô hình xe máy, ô-tô và người, đều được anh sử dụng công nghệ 3D để tạo ra.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Tiếp theo, anh thực hiện việc cắt ghép, kết nối các chi tiết để tạo ra mô hình. Cuối cùng, anh tiến hành sơn màu rêu phong, chỉnh sửa và tạo hiệu ứng cổ, làm sao để gần nhất với nguyên mẫu. Để ai nhìn cũng có thể cảm nhận được ngay dấu vết thời gian in đậm trên từng ngôi nhà.
“Không có barem nào cho từng ngôi nhà. Bởi mỗi ngôi nhà có độ cũ khác nhau, ở thời kỳ lịch sử khác nhau. Có những ngôi nhà do người Pháp xây cách đây hơn 100 năm. Nhưng cũng có ngôi nhà thuần Việt xây cách đây 70-80 năm gần đây. Thoạt nhìn, có vẻ giống nhau. Nhưng thực chất, chất liệu màu sơn, những chi tiết nhỏ như khung cửa, song sắt mỗi ngôi nhà đều đem đến cho mình cảm hứng mới mẻ”, tác giả của mô hình kể lại.
Những sản phẩm làm vì đam mê, nhưng đằng sau lại ẩn chứa những câu chuyện của những tuổi thơ khốn khó trong thời đất nước chưa độc lập. Chiếc xe máy Cup của mẹ cùng những nỗi niềm vất vả, nuôi 3 chị em ăn học. Hay những buổi rong chơi cùng cha của hai chị em nọ trên chiếc xe Dream. Từng góc phố, từng ngôi nhà đến từng cột đèn, khung cửa đều ẩn chứa những ký ức một thời của biết bao thế hệ người dân Việt Nam.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Đặc biệt, phải kể đến tòa nhà hộ sinh tại phố Nguyễn Quang Bích (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là mô hình anh làm lâu nhất, mất 3 tháng để hoàn thiện. Trong quá trình tìm hiểu anh biết thêm nhiều tư liệu, câu chuyện lịch sử xung quanh tòa nhà.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
“Mô hình mình làm tỉ mỉ, kỳ công mà đọng nhiều cảm xúc nhất là ngôi nhà hộ sinh đầu đường Nguyễn Văn Tố giao Nguyễn Quang Bích, ở phố chợ Hàng Da cũ. Quá trình mình làm ngôi nhà đó là thời điểm Covid. Tuy nhiên, có câu chuyện thú vị là mình được kết nối với nhà văn Chu Lai và biết được rằng, chính ông được sinh ra trong tòa nhà đó. Thậm chí, ông còn cho mình xem giấy chứng sinh tại đó. Một người khác cho biết, cũng chính ngôi nhà này nhà trẻ bác ấy đi học. Trải qua thời gian với nhiều mục đích sử dụng nên có nhiều thế hệ gắn liền với ngôi nhà độc đáo đó. Những câu chuyện ký ức xa xưa rất thú vị”, anh Dũng cười nói.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập được anh Dũng làm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. Hay mô hình tòa soạn báo Hà Nội Mới theo kiến trúc Pháp cổ cũng được anh mô phỏng chân thực từng chi tiết.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Nhờ việc mô phỏng sống động đến từng chi tiết nhỏ, các mô hình của anh Dũng đã lan truyền trên mạng xã hội, thu hút nhiều sự quan tâm. Thậm chí, nhiều người còn gửi hình ngôi nhà mái ngói xưa cũ, nơi mình từng ở, nhờ anh làm theo yêu cầu để lưu giữ ký ức.
Mô hình các ngôi nhà cổ tại Việt Nam do anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) mô phỏng
© Ảnh : Nguyễn Văn Dũng
Đã có mô hình được gửi đi nước ngoài cho những người con xa xứ. Ký ức xa xưa ùa về qua những chi tiết chân thực, nhiều người xúc động khi được chiêm ngưỡng mô hình ngôi nhà mà hàng chục năm từng gắn bó.
Anh Dũng cho hay, bản thân chưa từng nghĩ những mô hình bản thân làm lại được nhiều người đón nhận đến vậy. Nhờ có sự động viên và ủng hộ của mọi người, anh cảm thấy có động lực để tiếp tục làm thêm nhiều mô hình khác.