220km metro ở TPHCM: 100 năm hay 12 năm?
14:54, 15 Tháng Mười Hai 2023
Thành phố Hồ Chí Minh đang tìm cách hoàn thành 220km metro trong vòng 12 năm bởi cứ làm theo cách cũ thì có khi mất đến cả 100 năm mới xong.
SputnikSáng nay 15/12, Chủ tịch UBND TPHCM
Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98.
Việc lãnh đạo TPHCM lần đầu tiên họp với Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM sau khi thành lập cho thấy quyết tâm của thành phố bắt tay ngay vào việc để thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng giao thông đô thị lớn nhất nước.
TP.HCM cụ thể hóa Nghị quyết 98
Phát biểu tại phiên họp trước các chuyên gia, nhà khoa học, ông Phan Văn Mãi cho biết, sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, thành phố đã chủ động trong phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong cụ thể hóa các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù.
Đến nay còn một nghị định Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tham mưu, dự kiến trong tháng 12 sẽ trình Chính phủ ban hành. Còn các hướng dẫn về triển khai điện mặt trời áp mái, tín chỉ carbon, TPHCM cũng đã chủ động nghiên cứu đề xuất.
"Từ khi có Nghị quyết 98, UBND TP đã trình Hội đồng nhân dân thành phố và chỉ sau 4 tháng TPHCM cụ thể hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố liên quan tới Nghị quyết này", - ông Mãi báo tin.
Chủ tịch UBND
thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết tháng 2/2024, TP.HCM sẽ có cuộc họp chuyên đề HĐND TP và thành phố sẽ tiếp tục trình những nội dung còn lại liên quan tới Nghị quyết 98.
"Vì vậy, tôi mong các chuyên gia gợi ý nhiều cách làm mới, từ cơ chế chính sách, thực tiễn của TP.HCM nhưng chưa có quy định pháp luật chưa có hoặc chưa rõ để báo cáo Bộ chính trị và Quốc hội để xin cơ chế thực hiện", - vị lãnh đạo bày tỏ.
Ông chia sẻ thẳng thắn, chúng ta bàn tới TOD cho đường sắt đô thị, trung tâm tài chính… tất cả cần vận dụng tinh thần của Nghị quyết 98 và khẳng định, TP.HCM có thể huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai phù hợp để có thể bàn đến
việc phát triển đô thị, các trung tâm tài chính có thể vận dụng trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị Hội đồng tư vấn trong quá trình nghiên cứu đề xuất cho thành phố cách tổ chức thực hiện hiệu quả, thực thi các dự án về BT, BOT, đường sắt đô thị.
21 Tháng Mười Một 2023, 15:45
Mất cả 100 năm để làm 220km metro
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc lại, theo quy hoạch hiện hành TP.HCM có khoảng 220 km hệ thống đường sắt đô thị trong 12 năm tới.
Quy hoạch này đã gần 20 năm, tuy nhiên riêng chỉ một
tuyến metro số 1 đã chiếm 15-16 năm và "chúng ta cứ loay hoay với 20 km".
Ông Mãi thẳng thắn, nếu thành phố cứ tiếp tục duy trì cách làm này, tiếp tục vay vốn ODA, chuẩn bị đầu tư, xây dựng thì có lẽ 220 km sẽ mất 50-70 năm, thậm chí là 100 năm mới hoàn thiện.
"Triển khai theo cách cũ như vậy là quá chậm, chúng ta không thể chấp nhận được", - Tuổi Trẻ dẫn lời người đứng đầu UBND TP bày tỏ.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, Kết luận 49 của Bộ Chính trị mới đây yêu cầu hoàn thiện cơ bản hạ tầng đường sắt đô thị với 220 km. Đây là quyết định rất quan trọng, làm cơ sở để TP đề xuất cơ chế,
xây dựng đề án để triển khai.
"Vì vậy, TP.HCM quyết định vận dụng Nghị quyết 98 để triển khai hạ tầng đường sắt đô thị", - ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ tháng 7/2023, TP.HCM đã thành lập Tổ công tác để xây dựng Đề án hoàn thiện 220 km đường sắt đô thị.
Ông Mãi khẳng định, TPHCM sẽ khẩn trương hoàn thiện đề án trong năm nay để đầu năm 2024 trình Bộ Chính trị.
Có thể, TP.HCM đề xuất thực hiện đoạn này trước, đoạn kia sau, nhưng phải thực hiện trong một Đề án, cơ chế chính sách.
Năm nay, TP sẽ phải hoàn thiện Đề án để trình HĐND TP và báo cáo Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội để trình kỳ họp giữa năm 2024 về đề án
đường sắt đô thị ở TP.HCM.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ phối hợp với Hà Nội để cùng kiến nghị, thay vì làm riêng lẻ như hiện nay. Đề án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025.
"Chúng ta phải thực hiện 220 km đường sắt đô thị từ nay tới 2035 và hiện chỉ còn 12 năm. Nếu so với thời gian làm metro số 1 thì chúng ta cần có cách làm hoàn toàn khác cho 220 km đường sắt đô thị", - báo Pháp luật TP.HCM dẫn lại phát biểu của Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
5 Tháng Mười Hai 2023, 14:42
TPHCM cần làm gì?
Về cơ chế huy động nguồn vốn, thứ nhất cần huy động nguồn vốn đủ lớn để làm, cho phép TP.HCM và Hà Nội được huy động tín dụng để đầu tư tập trung làm và vấn đề này thì phải xin Quốc hội do vượt quy định.
Thứ hai, quy chế về thủ tục đầu tư cần đặc biệt hơn, rút ngắn hơn. Với thực tế metro số 1, thành phố đã mất 9 năm chuẩn bị dự án. Do đó, ông Mãi lưu ý, việc chúng ta cần làm là phải rút ngắn thời gian chuẩn bị xuống 3-4 năm và cũng cần rút ngắn thời gian xây dựng xuống 3 năm mới hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Thứ ba, thành phố có thể phát triển hệ thống đường sắt đô thị và hệ thống này vận hành cũng cần duy tu, phát triển và gắn liền với
ngành công nghiệp đường sắt đô thị của Việt Nam.
"Chúng ta không thể thuê mua các dịch vụ này từ nước ngoài, cơ chế nào để phát triển ngành đường sắt đô thị trong nước cũng cần bàn tới hôm nay", - ông nói và hy vọng cuộc họp có ý kiến góp ý giá trị, kiên trì mốc thời gian và có giải pháp cụ thể để thực hiện.
Một vấn đề khác, khi thành phố đã có Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty quản lý vận hành metro số 1 và trong tương lai phải hình thành mô hình quản lý sao cho phù hợp. Ông Mãi cho rằng, đây là những vấn đề rất lớn, cần cơ chế chính sách và xin Quốc hội thông qua.
"Từ cuộc họp này, tôi mong rằng sẽ có nhiều góp ý để cơ bản hoàn thành Đề án để trình Ban thường vụ, trình HĐND TP.HCM và tháng 2-3 sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Giữa tháng 6 sẽ trình Quốc hội thông qua Đề án này và khi Quốc hội thông qua thì TP sẽ có niềm vui kép - tuyến metro số 1 chính thức chạy và Đề án thực hiện 220 km đường sắt đô thị được cụ thể hóa", - người đứng đầu UBND TP.HCM nêu rõ.
26 Tháng Mười Một 2023, 13:46
Liệu có khả thi?
Tại cuộc họp, trình bày dự thảo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM cho biết, mục tiêu thực hiện 200km metro đến năm 2035 là hoàn toàn khả thi nếu tiếp cận theo tư duy mới, cách đi mới thực sự đột phá.
Lưu ý việc hoàn thành 200km tuyến metro số 1 là "hết sức đúng đắn và không thể muộn hơn nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa với các đô thị trong khu vực", ông Đặng Huy Đông - viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhắc nhở đây cũng có thể là nhiệm vụ bất khả thi nếu triển khai thực hiện với quy định pháp luật hiện hành.
"Nhiệm vụ khả thi nếu tiếp cận tư duy mới, cách đi mới thực sự đột phá trên cơ sở những bài học kinh nghiệm thất bại và thành công trong nước và thế giới", - đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM nói.
Đề án đề xuất 6 cơ chế đặc thù để hiện thực hóa mục tiêu trên. Trong đó, có các cơ chế về quy hoạch, đền bù thu hồi đất, cơ chế tài chính, quản lý dự án đầu tư…
Trong đó, đề xuất cho TPHCM lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 hệ thống metro theo khu vực nhà ga TOD làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD, tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro. Đề xuất Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 200km kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị khu vực TOD theo quy hoạch, hoàn thành trong năm 2035 và phân cấp, ủy quyền cho TPHCM quyết định các vấn đề liên quan.
Từ đó, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tin rằng sẽ giúp TPHCM hoàn thành mục tiêu 200km đường sắt đô thị vào năm 2035 và tiết kiệm khoảng hơn 10 tỷ USD tổng mức đầu tư so với cách làm hiện nay.
Cũng theo ông Đông, với tổng chiều dài 200km, có thể triển khai 100 khu đô thị theo mô hình TOD. Các đô thị này tạo 1 triệu căn hộ, để nửa dân số thành phố được hưởng các điều kiện sống văn minh - hiện đại, với đầy đủ các thiết chế xã hội về giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên, cây xanh, không khí trong lành, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Qua đó góp phần giảm ít nhất hơn 50% phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, để đạt mục tiêu nâng cao lực cạnh tranh của TP.HCM về thu hút du lịch,
đầu tư trong nước và quốc tế.
"Nhiệm vụ rất khó khăn"
Tại hội nghị, các chuyên gia đều góp ý khá thẳng thắn để làm sao thành phố triển khai khả thi đề án.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lưu ý đề án phải sâu sắc, toàn diện và tính khả thi cao. Cùng với đó, phải nhìn ra được những tồn tại hiện nay, phân tích nguyên nhân, giải pháp để có những cơ chế, chính sách phù hợp kiến nghị Trung ương cho cơ chế. Việc tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ dưới sự chủ trì của UBND TPHCM.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển 200km metro đến năm 2035 là "nhiệm vụ rất khó khăn". Ông chỉ ra, TPHCM thực hiện dự án metro số 1 với chiều dài khoảng 20km nhưng mất 15-16 năm, vì vậy, cần phải chỉ ra được những điểm tồn tại, điểm nghẽn của dự án metro số 1, từ đó phân chia lĩnh vực, nội dung tập trung giải quyết dứt điểm để rút
thời gian hoàn thành metro số 1 trong thời gian từ 3-5 năm. Từ đó, sẽ có bộ khung thực hiện các dự án metro khác cùng một lúc.
"Khi dự án metro hoàn thành đưa vào sử dụng thì cũng mới đi được 1/4 chặng đường, còn lại là các vấn đề về phát triển hệ thống giao thông kết nối, thương mại, thu hút người dân, doanh nghiệp đến sinh sống, sản xuất kinh doanh thì mới mang lại lợi ích từ TOD. Và nếu hoàn thành được dự án metro số 1, có bộ khung ổn định thì tất cả những tuyến còn lại cùng phát triển theo khung đó sẽ rất thuận tiện", - báo SGGP dẫn lời vị chuyên gia nói.
Với kinh nghiệm từng tham gia thực hiện mô hình TOD ở các quốc gia khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị TPHCM cần phải cẩn trọng trong đánh giá khả năng thu hồi vốn.
"Bởi huy động nguồn lực thực hiện dự án rất lớn nhưng không phải dự án đi đến đâu thì có mặt bằng, dân cư đô thị đến đó", - ông nói và nhấn mạnh, việc phát triển TOD phải cần thời gian dài.
Ở đây, nguyên tắc phát triển một tuyến hạ tầng từ thu hồi đất, đấu giá đất đến thu hồi vốn về ngân sách mất rất nhiều năm. Còn việc làm metro không chỉ cho TPHCM mà cho cả quốc gia, bởi phát triển metro là phát triển ngành công nghiệp metro của quốc gia. KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nêu rõ, việc chọn công nghệ phải rất cẩn thận để sau này áp dụng chung một công nghệ cho cả nước.
GS Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản tin rằng, nếu TPHCM thành công xây dựng 200km metro trong 12 năm tới sẽ đóng góp quan trọng để Việt Nam tiến tới phát triển vào năm 2045. Đề án này cũng sẽ xây dựng ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam.