Ngày 15/12, Cục Thi hành án dân sự TP HCM cho biết số tiền này sẽ được chuyển sang kho bạc Nhà nước để chia cho hơn 4.500 bị hại. Người được nhận cao nhất là hơn 800 triệu đồng.
Đây là số tiền mặt các cơ quan tố tụng thu hồi được trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với những tài sản khác như ôtô, xe máy, máy tính... dự kiến ngày 28/12, Cục Thi hành án sẽ tiến hành kê biên các tài sản: xe, vàng, máy tính… trong vụ án để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HÐQT Công ty Alibaba) cho các bị hại.
Đối với lượng lớn bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã có kế hoạch ủy thác cho cơ quan thi hành án tại địa phương xử lý, thu hồi tiền để tiếp tục chi trả cho bị hại trong các đợt sau.
Cục Thi hành án dân sự TP HCM cũng đang tổ chức cho 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tiếp tục nộp tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong số hơn 4.548 bị hại có hơn 4.000 người đã có đơn yêu cầu thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đề nghị 500 người còn lại nhanh chóng liên hệ làm các thủ tục nhận tiền bồi thường.
Hôm 29/9, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM có văn bản thông báo gửi đến các bị hại trong vụ án Alibaba. Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại trong vụ án, những ai chưa làm đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tống đạt qua bưu điện, cần liên hệ tới Cục Thi hành án dân sự để làm đơn.
Hết thời hạn nêu trên, các bị hại không yêu cầu thi hành án, thì cơ quan này sẽ thanh toán tiền cho những người đã có đơn yêu cầu.
Trước đó, tại phiên tòa xử phúc thẩm vụ án Alibaba và đồng phạm 5.2023, TAND Cấp cao tại TPHCM đã bác đơn kháng cáo của Nguyễn Thái Luyện, tuyên y án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị tuyên 23 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Các bị cáo khác bị tuyên mức án từ 2 năm 6 tháng tù treo đến 17 năm tù.