Phát hiện mỏ dầu khí mới, công ty con PVN lãi đến 21.000 tỉ

Nhờ phát hiện và khai thác thêm các giếng dầu khí mới, PVEP – một công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ghi nhận doanh thu 41.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 21.000 tỉ.
Sputnik
Lãnh đạo PVN cho biết, có thể nói, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp dầu khí dưới sự điều hành của tập đoàn đã về đích sớm kế hoạch năm 2023.

PVEP phát hiện mỏ dầu khí mới

Sáng 16/12, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã phối hợp với báo Lao động tổ chức tọa đàm “Petrovietnam - Về đích sớm kế hoạch 2023, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng".
Theo báo Tuổi trẻ, tại toạ đàm, ông Hoàng Xuân Dương – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) cho biết, ngành dầu khí đã đối diện với thách thức suy giảm sản lượng khai thác trong 10 năm nay.
Song, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, PVEP đã tìm ra và phát hiện các mỏ dầu khí mới, làm gia tăng trữ lượng 23,72 triệu tấn. Sau hơn 10 năm sản lượng suy giảm, năm 2023, lần đầu tiên sản lượng khai thác ngang bằng năm 2022.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể nắm thêm cổ phần Lô 15-1 bể Cửu Long
Nhờ kết quả đó, PVEP ghi nhận doanh thu 41.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 21.000 tỉ. Như vậy, lợi nhuận trước thuế/doanh thu là 50%.
Lãnh đạo PVEP cho biết, đà suy giảm năm 2023 đã được kiểm soát nhưng áp lực năm 2024 vẫn còn rất nặng nề. Chính vì vậy, PVEP vẫn tiếp tục nghiên cứu để thăm dò, nâng cao sản lượng từ giếng cũ bằng việc đầu tư công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, tăng cường hoạt động đầu tư.
Thành quả đạt được, một mỏ giếng khoan thăm dò của PVEP là trường hợp đầu tiên đưa vào phát triển, khai thác và thành công khi có dòng dầu khai thác ngay trong năm 2023.
Ngoài ra, còn một mỏ khác được nghiên cứu, triển khai phát triển mỏ và phát hiện tiềm năng trữ lượng dầu khí, hiện PVEP đang tiến hành các công tác để cố gắng có dòng dầu đầu tiên trong năm 2026.

PVN về đích sớm kế hoạch năm 2023

Tại toà đàm, ông Trần Quang Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp PVN cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, ngành dầu khí cũng chịu nhiều thách thức khi có 4/5 động lực tăng trưởng đều đã chạm ngưỡng tới hạn hoặc bị ảnh hưởng.
Cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Nhà nước vẫn nắm 100% vốn điều lệ PVN
Trong lĩnh vực thăm dò khai thác, giá dầu suy giảm là trở ngại lớn. Ngoài ra, do tác động của cơ chế chính sách cùng đà suy giảm tự nhiên, việc khai thác ngày càng khó khăn hơn. Các mỏ nhỏ, mỏ cận biên thì không có điều kiện để khai thác.
Năm 2023, dù giá dầu bình quân vào tháng 9, tháng 10 tương đối cao nhưng tổng thể giá dầu trung bình vẫn thấp hơn trên 18% so với năm 2022. Điều này ảnh hưởng tới khâu đầu, cốt lõi trong hoạt động của PVN, làm giảm động lực tăng trưởng của tập đoàn.
Tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp quản trị, PVN đã ngăn chặn được tình trạng thua lỗ và phục hồi tăng trưởng. Tập đoàn đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp với hệ giá trị cốt lõi đó là “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”. Các hệ giá trị này được chuyển hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn với từng người, từng tổ chức.
Ông Trần Quang Dũng vui mừng chia sẻ, có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp dầu khí dưới sự điều hành của tập đoàn đã về đích sớm kế hoạch năm 2023.
Thảo luận