Trương Huệ Vân đối diện khung hình phạt tử hình, 1 bị can khác xin nộp ngàn tỷ

Trương Huệ Vân là cháu ruột bà Trương Mỹ Lan và là thế hệ thứ 4 trong gia tộc họ Trương điều hành đế chế Vạn Thịnh Phát, là 1 trong 13 bị can đối diện khung hình phạt lên đến tử hình trong đại án Vạn Thịnh Phát.
Sputnik
Tuy nhiên, theo cáo trạng, đến nay, Trương Huệ Vân mới chỉ khắc phục được 1 tỷ đồng và 3.000 USD dù rút ruột của SCB lên tới 1.088 tỷ đồng.
Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, 1 bị can khác đã xin nộp lại hàng ngàn tỷ đồng được Trương Mỹ Lan đưa cho trước đó.

Bị truy tố khung hình phạt đến tử hình

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB cùng các đơn vị liên quan, Trương Huệ Vân, cháu gái bà Trương Mỹ Lan, Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vạn Thịnh Phát, bị truy tố tội tham ô tài sản quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người phạm tội được quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ Luật Hình sự năm 2015 nếu chiếm đoạt số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, chung thân, hoặc đối diện với mức án cao nhất là tử hình.
Cả Trương Huệ Vân lẫn bà Trương Mỹ Lan đều nằm trong nhóm các bị can đối diện với mức hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định hiện hành của pháp luật.
Trương Huệ Vân được xác định đã giúp sức và là đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản, liên đới, chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo Dân Trí dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Trương Huệ Vân được cơ quan tố tụng ghi nhận đã "ăn năn hối cải" và thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Cháu gái bà Trương Mỹ Lan cũng được xác nhận phối hợp tích cực, hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra làm rõ bản chất vụ án.
Đến nay, theo cáo trạng, Trương Huệ Vân đã tự nguyện, tác động gia đình nộp lại hơn 1 tỷ đồng và 3.000 USD để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội mà mình gây ra.
Cùng với đó, gia đình bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân Trương Huệ Vân, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nhị đã nộp khắc phục hơn 118.700 tỷ đồng và hơn 306.000 USD. Chồng bà Lan là tỷ phú Chu Lập Cơ cũng đã nộp lại 1 tỷ đồng.
Thêm nữa, cơ quan chức năng trong quá trình điều tra đến nay đã thu giữ của bị can Trương Huệ Vân, Trương Mỹ Lan hơn 7 tỷ đồng, kê biên 61 bất động sản, ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của Trương Huệ Vân cùng những cá nhân liên quan, kê biên 22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan, Trương Huệ Vân và những người liên quan, theo thông tin trên báo Công an TPHCM.
Bộ Tài chính phủ nhận Công ty mua bán nợ Việt Nam DATC thông đồng với Vạn Thịnh Phát, SCB

Vai trò của Trương Huệ Vân

Như đã biết, Trương Huệ Vân (35 tuổi) là cháu ruột của bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, là thế hệ thứ 4 trong gia tộc họ Trương.
Trước khi bị bắt, Trương Huệ Vân được biết đến như một nữ doanh nhân trẻ nổi tiếng sở hữu hàng chục công ty liên quan hệ sinh thái đế chế Vạn Thịnh Phát.
Theo cáo trạng, Trương Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trương Huệ Vân là Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Eurasia Concept và điều hành hoạt đông các công ty: Lavifood, Tanifood, Sài Gòn Galleria.
Trương Mỹ Lan được cho là đã chỉ đạo Trương Huệ Vân sử dụng pháp nhân công ty CP Lavifood vay vốn ngân hàng SCB nhằm mục đích kinh doanh trả nợ vay tại nhiều nhà băng khác.
Đáng nói, thực hiện chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân còn đứng ra thành lập nhiều công ty "ma", tạo lập hồ sơ vay vốn khống, từ đó, tạo lập khoản vay, rút tiền từ ngân hàng SCB để sử dụng cho các mục đích riêng.
Nhà chức trách cũng xác định, trong thời gian điều hành Công ty Sài Gòn Galleria và Eurasia Concept, Trương Huệ Vân còn chỉ đạo 2 nhân viên kế toán của 2 công ty phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng, lấy tiền chi cho các hoạt động của 2 công ty. Khi cần trả nợ, những doanh nghiệp này đã lấy nguồn tiền từ các công ty, cá nhân khác được lập khống tại SCB để trả lại cho chính SCB.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty "thật" tạo lập 155 khoản vay khống rút tiền khỏi SCB.
Tính đến thời điểm tháng 10 năm ngoái, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ (cả gốc và lãi).
Một bị can khác xin trả lại hàng ngàn tỷ được Trương Mỹ Lan đưa
Trong một diễn biến khác, bị can Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc công ty Tường Việt đã xin trả lại cả ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo An ninh Thủ đô dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cáo, bị can Dương Tấn Trước đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chiếm đoạt hơn 4.752 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 605 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan đối diện khung hình phạt tử hình, tiền rút từ SCB có lấy lại được không?
VKS xác định, bị can Trước thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan, còn nợ bà Lan hơn 2.697 tỷ đồng. Trong số này, bị can Dương Tấn Trước đã đưa lại bà Lan hơn 492,5 tỷ (thông qua cháu gái Trương Huệ Vân), hiện còn hơn 2.204 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, Dương Tấn Trước cũng xin tự nguyện trả lại ngân hàng SCB hơn 813 tỷ đồng, nộp khắc phục 52 tỷ đồng.
Bị can này cũng xin nộp lại hơn 2.204 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.
Các bị can đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình
Như đã thông tin, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, có 86 bị can bị truy tố.
Riêng bà Trương Mỹ Lan, bị truy tố về 3 tội danh gồm tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức ngân hàng.
Bà Trương Mỹ Lan
Trong nhóm bị truy tố về tội Tham ô tài sản có khung hình phạt lên tới tử hình có:
1.Trương Mỹ Lan (67 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát).
2. Trương Huệ Vân (35 tuổi, Tổng Giám đốc Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor)
3. Đinh Văn Thành (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB - đang bỏ trốn).
4. Võ Tấn Hoàng Văn (50 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc SCB).
5. Tạ Chiêu Trung (44 tuổi, Tổng Giám đốc công ty tài chính Vĩnh Phú)
6. Bùi Anh Dũng (61 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB).
7. Trương Khánh Hoàng (36 tuổi, nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB).
8. Trần Thị Mỹ Dung (38 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB).
9. Hồ Bửu Phương (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HQQT công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt).
10. Nguyễn Phương Anh (40 tuổi, Phó Tổng giám đốc công ty Sài Gòn Peninsula).
11. Đặng Phương Hoài Tâm (52 tuổi, Phó trưởng Văn phòng HĐQT công ty cổ phần Vạn Thịnh Phát).
12. Dương Tấn Trước (40 tuổi, Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt).
Nhóm bị truy tố về tội Nhận hối lộ có khung hình phạt tử hình
Bị can Đỗ Thị Nhàn (57 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước).
Thảo luận