Chỉ riêng trong năm 2022, lượng kiều hối đạt 19 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Kiều bào tăng lên cả về lượng lẫn về chất
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin, ngày 27/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng đã khai mạc Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực trong những năm qua, nhưng với truyền thống chịu thương chịu khó, bản lĩnh và ý chí vươn lên, bà con kiều bào đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, xây dựng cộng đồng liên tục lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ngoài việc đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội tại nước sở tại, bà con kiều bào cũng luôn một lòng hướng về quê hương, có nhiều đóng góp thiết thực dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tri thức, kinh nghiệm đến nguồn lực vật chất.
Đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tham gia nhiều hoạt động hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là những người góp phần phát huy vai trò cầu nối, đưa nền khoa học, giáo dục của Việt Nam tiệm cận với thế giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Theo số liệu được công bố tại sự kiện, cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, tốc độ tăng trưởng khoảng 5%/năm. Kiều bào sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển.
Báo Vnexpress dẫn số liệu từ Bộ Ngoại giao ghi nhận, lượng người Việt ra nước ngoài lao động vào khoảng 130.000-150.000 người/năm, có đóng góp về tài chính và là nguồn nhân lực cho đất nước. Nhiều doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng tích cực trong việc đưa hàng Việt ra thế giới.
190 tỷ USD kiều hối trong 30 năm
Đặc biệt, trong khoảng 30 năm, tính từ năm 1993 (dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là năm đầu tiên thống kê) cho đến năm 2022, lượng kiều hối gửi về nước đạt hơn 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Năm ngoái, lượng kiều hối đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021, qua đó đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Tại báo cáo "Điểm lại tháng 8/2023", Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 14 tỷ USD và 14,4 tỷ USD trong năm 2024.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 11 tháng, TP.HCM đã nhận gần 9 tỷ USD kiều hối, tăng 35% so với năm 2022, gần gấp 3 lần vốn FDI. Đây là địa phương chiếm hơn một nửa lượng kiều hối cả nước.
Kiều hối, trên thực tế, là một trong những nguồn cung giúp bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát ở một số nước gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát, kiều hối càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa.
Ngân hàng Nhà nước ghi nhận, kiều hối về Việt Nam mỗi năm hơn 10 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư ước tính, trung bình 3 năm trở lại đây, Việt Nam nhận về 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42 địa phương ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 1,72 tỷ USD. Điều này đã đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.