Phía VKS xác định, việc ông Dũng phạm tội xuất phát từ mục tiêu chung của Saigon Co.op, bị cáo lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên đề nghị tòa tuyên 10-11 năm tù.
VKS rất bất ngờ vì ông Diệp Dũng nhận tội
Chiều 28/12, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo trong vụ gây thất thoát hơn 115 tỷ đồng cho Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) liên quan ông Diệp Dũng.
Đại diện Viện kiểm sát cho biết, ông Diệp Dũng và các đồng phạm Nguyễn Thành Nhân - cựu tổng giám đốc Saigon Co.op, Hồ Mỹ Hòa - cựu giám đốc tài chính Saigon Co.op, Võ Thành Trung - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới và Tôn Thất Hào - tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Á đều có chức vụ, hiểu biết về quyền hạn của mình đang nắm giữ. Trong đó, ông Diệp Dũng là người chịu trách nhiệm chính.
Đặc biệt, ôngDiệp Dũng là người nắm rõ các quy định về luật hợp tác xã, điều lệ, quy chế làm việc của Saigon Co.op, quy chế quản lý tài chính Saigon Co.op.
Tuy nhiên chính ông Diệp Dũng đã không thông qua hội đồng quản trị Saigon Co.op, tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng.
Đại diện VKS nêu rõ, ông Diệp Dũng đã ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng trong số tiền 3.000 tỷ đồng mà Saigon Co.op huy động để thực hiện thương vụ mua lại Big C trước đó cho 2 công ty trên. Đây là hành vi vượt quyền bởi tiền có nguồn gốc huy động từ nhà đầu tư.
Đến ngày 24/3/2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua hội đồng quản trị, tự ký thỏa thuận điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm.
Hành vi của ông Dũng tạo điều kiện cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới không phải thanh toán khoản lợi nhuận cố định 7% (kể cả phần lãi từ việc cho vay và gửi tiết kiệm của 2 công ty này).
“Hành vi của ông Dũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỷ đồng lợi nhuận 7% từ 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trên”, - VKS nêu rõ.
Về động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo, phía Viện kiểm sát cho rằng ông Dũng hướng đến mục tiêu chung của Saigon Co.op và sợ mất vốn khi 2 công ty đối tác làm ăn không hiệu quả, nên dẫn tới hành vi sai phạm.
Cơ quan công tố cũng ghi nhận ông Diệp Dũng và đồng phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, khắc phục một phần thiệt hại... nên đề nghị tòa xem xét giảm một phần trách nhiệm.
Đặc biệt, Viện kiểm sát tỏ ra bất ngờ khi ông Diệp Dũng nhận tội.
"Qua phần thẩm vấn, chúng tôi rất bất ngờ đối với việc bị cáo Diệp Dũng và các đồng phạm đã thừa nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình như viện kiểm sát đã truy tố", - báo Tuổi Trẻ dẫn phát biểu của đại diện viện kiểm sát bày tỏ.
Ông Diệp Dũng bị đề nghị 10-11 năm tù
Riêng đối với các bị cáo bị xét xử tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án này gồm: ông Trần Trung Liệt, ông Hàng Thanh Dân, bà Phạm Thị Minh Ngọc, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện Viện kiểm sát cho rằng nếu các bị cáo này làm đầy đủ trách nhiệm thì ít nhất có thể ngăn chặn hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, phía Viện kiểm sát cũng đề nghị hội đồng xét xử ghi nhận thiện chí của các bị cáo, cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất ở khung hình phạt liền kề.
Sau khi phân tích đầy đủ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt ông Diệp Dũng từ 10 - 11 năm tù.
Các ông Võ Thành Trung từ 5 - 6 năm tù, Tôn Thất Hào từ 5 - 6 năm tù, Nguyễn Thành Nhân từ 5 - 6 năm tù và Hồ Mỹ Hòa từ 4 - 5 năm tù cùng về tội lạm quyền khi thi hành công vụ.
Ông Trần Trung Liệt và Nguyễn Thị Thùy Trang bị đề nghị mức án từ 2 -3 năm tù, Hàng Thanh Dân và Phạm Thị Minh Ngọc bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Như Sputnik đã thông tin về vụ án, năm 2016, Saigon Co.op đã huy động của nhà đầu tư 3.000 tỷ đồng để mua lại Big C.
Sau đó,thương vụ bất thành nhà đầu tư không rút vốn, ông Dũng đã không thông qua HĐQT, tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng, Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng.
Các bên thỏa thuận, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác. Đồng thời, hợp đồng được gia hạn thời gian hợp tác theo 4 phụ lục ký giữa ông Diệp Dũng với ông Tôn Thất Hào và ông Võ Thành Trung.
Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua hội đồng quản trị, tự ký thỏa thuận điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm. Hành vi của ông Dũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỷ đồng.
Tại phiên xử, ông Dũng thừa nhận sai sót của mình do chỉ nhìn vào điều kiện tiên quyết mà ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chứ không để ý rủi ro.
Ông Dũng khai sau khi ký hợp đồng thì được báo lại đối tác sử dụng dòng vốn không hiệu quả, sợ đối tác xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn nên ông Dũng chỉ nghĩ đến việc thu hồi vốn nhanh, tránh rủi ro, nếu nhà đầu tư rút vốn thì có tiền trả.
“Ban đầu thì vẫn nghĩ đó là hợp đồng hợp tác đầu tư, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết dưới góc nhìn thuế thì là hợp đồng cho vay ngắn hạn”, - ông Dũng lý giải.
Khi được hỏi về lý do Saigon Co.op giảm lãi suất từ 7% xuống còn 0%, làm Saigon Co.op không được gì mà còn mất 115 tỷ, không những không thu được tiền lời mà còn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và phạt chậm nộp thuế là khoảng 150 tỷ, ông Dũng cho rằng chỉ lo sợ rủi ro mất vốn nên làm sao tránh thiệt hại lớn nhất cho Saigon Co.op.
“Bị cáo thấy anh em bán rau, bán muối cực quá nên muốn kiếm thêm thôi. Bị cáo nghĩ tiền này là tiền kiếm thêm, không được thì thôi”, - ông Dũng nói.
Bị cáo Diệp Dũng xin HĐXX xem xét bối cảnh, động cơ mục đích của mình khi thực hiện hành vi.
“Bị cáo hoàn toàn tôn trọng cáo trạng, mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, bối cảnh để đánh giá động cơ, mục đích của bị cáo trong vụ án”, - cựu Chủ tịch Saigon Co.op khẳng định, nếu không có biện pháp ngăn chặn rủi ro thì thiệt hại có thể sẽ lớn hơn con số 115 tỷ đồng.