Thị trường Trung Quốc hứa hẹn tăng hàng tỷ USD doanh thu cho nông sản Việt

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của TBT, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam mới đây cho biết, Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường chính ngạch cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam. Đây là cơ hội hứa hẹn mang lại doanh thu hàng tỷ USD cho nông sản Việt.
Sputnik
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD năm 2022, gấp hơn 4 lần so với 2014.

Mở cửa cho nông sản “tỷ đô”

Việt Nam hiện có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Các mặt hàng này đã giúp mang về doanh thu vài tỷ USD, trong đó sầu riêng mang về tới 2,2 tỷ USD.
Được biết, dừa tươi, bơ, na, roi, hoa quả có múi và trái cây đông lạnh sẽ là những nông sản Việt tiếp theo được Trung Quốc thúc đẩy mở cửa thị trường. Ngoài ra, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.
Sầu riêng, loại trái cây xuất sang Trung Quốc, mang về 2,2 tỷ USD cho Việt Nam
Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam nắm bắt và bứt phá. Ngoài chất lượng nông sản, nhằm đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, hành lang luật xuất khập khẩu giữa hai nước Việt - Trung cũng cần được cải thiện. Trao đổi với Sputnik, ông Hoàng Trung Hiếu, Giảng viên Khoa Luật Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết:

“Các văn bản pháp luật là tiền đề để điều chỉnh các văn kiện được ký kết giữa Việt Nam và các nước đối tác. Do đó, cần rà soát, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước, nội dung, công cụ, cơ chế, quy chuẩn kiểm tra, tiêu chí đánh giá, trách nhiệm các ngành liên quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Cũng theo chuyên gia trên, nền tảng văn kiện ký kết giữa hai nhà nước, cần quản lý về thu hút đầu tư của từng địa phương sao cho phải tuân thủ những chính sách của Trung ương và phải dựa trên cơ sở các chính sách vĩ mô về kinh tế và cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Chính phủ.

“Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan ban ngành liên quan, xây dựng cơ chế cảnh báo và dự báo thị trường sớm, phối hợp xử lý rủi ro pháp lý về tranh chấp thương mại quốc tế. Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch chủ động phòng ngừa và vượt các rào cản thương mại các nước đối tác để đảm bảo hàng hóa liên thông liên tục”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Việt Nam - Trung Quốc ký kết hàng loạt văn kiện quan trọng

Làm mới phương thức xuất khẩu

Các văn kiện hợp tác song phương trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản giữa hai nước Việt - Trung trong chuyến thăm của TBT, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình có vai trò như đòn bẩy, thúc đẩy và mở rộng hơn nữa hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả Việt Nam.
Cũng cần lưu ý, vào thời gian cao điểm, chính vụ thu hoạch một số mặt hàng nông sản, hoa quả tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là về kinh tế đối với doanh nghiệp và thương nhân.
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) nhộn nhịp thông quan hàng hóa
Nhằm giải quyết vấn đề trên, Thỏa thuận khung về Thúc đẩy Xây dựng Thí điểm Cửa khẩu Thông minh Việt Nam - Trung Quốc dã được triển khai. Phía tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

“Cửa khẩu thông minh là việc hai nước Việt – Trung cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng. Mô hình cửa khẩu thông minh dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan”, ông Hoàng Trung Hiếu, Giảng viên Khoa Luật Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trao đổi với Sputnik.

Việt Nam và Trung Quốc giờ đây cùng xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai"
Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh mới, trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi cách làm mới.

“Việc xây dựng cửa khẩu thông minh là vấn đề mới, do vậy, cần làm rõ việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh có ảnh hưởng đến phạm vi điều chỉnh của Hiệp định quy chế về quản lý biên giới, Hiệp định về quản lý cửa khẩu hay không… Từ đó Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý riêng để điều chỉnh các vấn đề liên quan khi cửa khẩu thông minh đi vào thực tiễn. Đặc biệt là cần làm rõ những tác động về quốc phòng, an ninh biên giới, về môi trường khu vực cửa khẩu để dự liệu và đối phó với những tác động tiêu cực có thể xảy ra”, ông nhấn mạnh.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) nhộn nhịp thông quan hàng hóa
Được biết, với mô hình cửa khẩu thông minh, phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4-5 lần so với thời điểm hiện tại. Theo đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ 750 xe/ngày lên 2.500-3.000 xe/ngày; Cửa khẩu phụ Tân Thanh từ 300 xe/ngày lên 1.500-2.000 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua cửa khẩu Hữu Nghị phấn đấu đạt 100 tỉ USD; qua cửa khẩu Tân Thanh đạt 25 tỉ USD.

“Bên cạnh đó, muốn nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh trên cả nước và có một nền tảng hoàn chỉnh thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cần có chỉ đạo để nghiên cứu, xác định những nội hàm, nội dung căn bản của cửa khẩu thông minh, trên cơ sở đó hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu về quản lý, yêu cầu tác nghiệp của lực lượng chức năng, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia mô hình này”, ông Hiếu cho biết thêm.

Thảo luận